Loading

HÀNH TRÌNH QUY TỤ TỨ LINH: LONG – LÂN-QUY- PHỤNG

Phần 1: Qui Tụ Phụng Hoàng 

  Ai là Phật Tử hoặc chỉ là thờ cúng ông bà tổ tiên thì chẳng ai là không biết đến những ngôi chùa, ngôi đình luôn ẩn hiện chung với làng mạc, phố xá và ở trên những ngọn núi cao. Cảnh chùa, đình luôn thanh tịnh, trang nghiêm và bình yên để đón bá tánh chúng sinh về dâng hương niệm Phật và nguyện cầu những ước muốn của riêng mỗi người. Bái lễ Phật xong rồi ai nấy ra về lòng cũng thấy rất nhẹ nhàng, hoan hỉ và quyến luyến với ngôi chùa, mái đình. Nơi đó đã từng gắn bó nhiều kỉ niệm của tuổi ấu thơ và đến lúc trưởng thành của rất nhiều người, lòng thầm nghĩ khi nào có dịp thì sẽ lại thăm chùa hoặc đình xưa, thăm quý Thầy, Sư Cô hoặc vị Thủ Từ đã trông nom chăm sóc ngôi chùa, mái đình chu đáo sạch sẽ, ấm cúng với lời dạy sống tốt đời đẹp đạo theo bước chân những bậc đạo sư, những tiền nhân đi trước. Ai biết được những ngôi chùa, đình có được bình yên cho bá tánh chúng sinh về tu tập đạt được sự hoan hỉ và an lạc như vậy là nhờ ơn đức của Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng và chư Tôn Thiên Long Bát Bộ, Long Thần Hộ Pháp, chư vị Thiện Thần, Phúc Thần thập phương đồng thuỳ gia hộ cho tất cả đạo tràng được an vui, giải thoát. Các ngài đã ngày đêm âm thầm gia hộ, ẩn mình ba la mật hộ trì. Có vô số các vị Hộ Pháp nhưng trong bài viết hạn hẹp này xin mạo muội viết về bốn vị Hộ Pháp mà chúng ta thường thấy nhiều nhất trong văn hoá người Việt rất gần gũi va quen thuộc. Đó là bốn thần thú Long, Lân, Quy, Phượng. Long, Lân, Quy, Phượng là bốn Linh Thú thuộc bộ Tứ Linh nổi tiếng trong văn hoá tâm linh, bốn Linh Thú này có sức mạnh phi thường, bắt nguồn từ bộ Tứ Linh thần quyền lực tượng trưng cho trời đất. Hình ảnh Tứ Linh được sử dụng và khắc hoạ nhiều trong nghệ thuật kiến trúc tâm linh Việt Nam như chùa, đình, công trình tâm linh lớn như Kinh Đô, nhà riêng, đến tên các địa danh, công ty, trụ sở kinh doanh hoặc đặt tên cho con cháu, cho đến hoạ tiết trang trí trang phục và cả ẩm thực như tên gọi của món ăn, hội hoạ…với ước vọng là cầu may mắn hanh thông thịnh vượng, bền vững, sức khoẻ trường thọ và bình an.
Vị trí Mũi Kê Gà (Hàm Thuận Nam)
Vậy với đoàn tâm linh như chúng tôi, khắp đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc cho đến Nam hình chữ S này (S trong phong thuỷ là lưỡng nghi) có những Linh Thú thường ẩn ngự và gia hộ cho bá tánh chúng sinh được bình an, hanh thông và thịnh vượng như sứ mệnh của mình hay không? Lại một hành trình chúng tôi có duyên đi diện kiến.   Phần 1: Gặp Linh Thú Đầu Tiên: PHƯỢNG HOÀNG Vào một dịp tháng 7 âm lịch năm 2018 chúng tôi có được duyên lành đi làm từ thiện tại Chùa Thiện Tâm do Đại đức Thích Lệ Tâm là trụ trì ở Hàm Thuận Nam – Bình Thuận. Chùa Thiện Tâm (Hàm Thuận Nam)Ngôi chùa này rất rộng rãi có nuôi dạy hơn 100 trẻ mồ côi, cơ nhỡ các độ tuổi khác nhau. Đoàn đi có nhiều người từ Miền Trung và các vùng khác vào làm thiện nguyện như mua sữa, bánh kẹo, gạo cùng tịnh tài cúng dường góp sức cùng Thầy lo cho các em nhỏ, và cũng sẵn đó nguyện cầu có được con cái của những cặp vợ chồng hiếm muộn ở đài Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát vì nghe nói Ngài rất linh thiêng, ai cầu con đều được như ý. Quả nhiên sau đó một thời gian, đoàn chúng tôi có vài người báo tin vui, thật mừng cho họ sở nguyện được viên thành. Cúng dường   Sau khi cúng dường Tam Bảo xong, đoàn chúng tôi lên đường đến khu du lịch Biển Đá Vàng (Mũi Kê Gà – Phan Thiết, Bình Thuận) do trưởng đoàn được lời mời cúng biển ở nơi đó, cầu mong Khu Du Lịch và vùng biển nơi đó được phát triển hơn, đoàn chúng tôi vui vẻ nhận lời. Khi đến nơi thì thấy đây là một vùng biển đẹp tuyệt vời, êm ả nhưng chưa phát triển nhiều và vẫn còn nét hoang sơ do chiến tranh tàn phá nên dân đã tản cư, chỉ có chủ Khu Du Lịch mới về đây đầu tư để phát triển du lịch. Thật đẹp quá, đối diện với khu du lịch là một hòn đảo nhỏ, trên có ngọn hải đăng thật lớn, dân địa phương gọi đó là Mũi Kê Gà. Định vị từ trên cao nhìn xuống như hình con gà đầu đội ngọn đèn. Ngọn hải đăng này ban đêm phát sáng quay vòng tròn làm tín hiệu dẫn dắt tàu thuyền thấy để được vào bờ an toàn.
Mâm lễ cúng vong
Bàn cúng chính, sau quyết định chuyển ra cúng ở gò cát mới nổi do nước biển rút…
Biển bình yên….
Sau khi được tiếp tân nhiệt tình tiếp đón và hướng dẫn mọi người nhận phòng ốc, dùng cơm trưa và nghỉ ngơi xong, chúng tôi ra biển tìm vị trí thích hợp để sắp xếp, bố trí lễ Pháp Thuỷ Đàn. Trưởng đoàn đang đứng tìm chỗ thì đột nhiên nước rút nhanh ra biển và để lộ cho chúng tôi thấy một gò cát nổi lên rất đẹp, rộng lớn. Đây rồi, là địa bàn để chúng tôi làm Pháp. Ngoảnh đầu nhìn về phía khu du lịch thì thấy chúng tôi đã ở xa bờ nhiều lắm, gần đến chỗ đảo Mũi Kê Gà. Thế là chúng tôi hoan hỉ thỉnh tượng Phật và đồ lễ cúng cùng một đống củi để chuẩn bị làm lễ Pháp Thuỷ. Chúng tôi thiết lễ ngay trên gò cát và chuẩn bị tụng kinh. Người quản lý khách sạn ra theo nói chúng tôi cứ yên tâm làm lễ vì nước có dâng lại cũng khoảng 10g đêm, và lúc chúng tôi làm lễ thì mới chỉ khoảng 5g chiều, thời gian cho chúng tôi rất là rộng rãi, trời yên, biển lặng trong xanh và gió rì rào, mặt trời hoàng hôn tuyệt đẹp. Trong chúng tôi đang gõ mõ tụng kinh niệm Phật thì bất ngờ một thành viên đứng dậy cầm nhang tiến về phía biển, lội xuống nước kính mời các hương linh và Long Thần về dự lễ pháp Thuỷ Đàn xong rồi quay trở về chúng tôi đang trì Kinh niệm Phật thì bị nhập thân. Thì ra đó là vị Long Thần cai quản vùng biển này. Vị ấy cảm ơn mọi người đã làm lễ pháp Thuỷ Đàn và cho biết có khoảng 700 người đã mất ở vùng biển này nhờ Kinh kệ mà được giải thoát và khuyên chúng tôi chạy vào bờ nhanh đi vì nước biển đang dâng mạnh ngập luôn cả Pháp Đàn này (chắc có binh tôm tướng cá họ vào nhận lễ vật chúng tôi dâng cúng). Hèn chi lúc chúng tôi đang tụng Kinh niệm Phật thì mặt trời sáng lên, toả ánh hào quang rất lạ, chúng tôi đang mải mê ngắm thì đột nhiên nghe tiếng trưởng đoàn hô lớn: “Chạy” giật mình thấy vị Trưởng đoàn đang vội ôm tượng Phật cùng chuông mõ thu về trong tay nải, chúng tôi cũng hoảng hốt khi thấy sóng lớn đang cuộn vào ào ào về phía chúng tôi cùng với một bầu trời tối sầm lại, rào rào tiếng mưa lớn ầm ầm đang đổ về phía đoàn. Thế là chúng tôi ai nấy hốt hoảng vội quơ túi xách, tay nải của mình chạy thục mạng vào bờ. Cảnh tượng hệt như sóng thần trong ti vi, tôi vừa dắt đứa cháu chạy vừa quay đầu nhìn lại thấy những người đang chạy sau thật nhỏ bé như kiến trước cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, cầu mong cho tất cả ai cũng vào bờ an toàn. Vào được đến bờ rồi, chúng tôi bình tâm ngoảnh đầu nhìn lại thì địa bàn đã biến mất, bàn lễ cũng không còn, tất cả củi để đốt lửa trại đều đã bị cuốn ra biển. Cũng nói thêm rằng khi làm Pháp Thuỷ đàn thì lửa dù có cố tình đốt thì cũng chẳng bao giờ cháy, tự tắt (Thuỷ khắc Hoả), thời khắc diễn ra sao quá nhanh, khoảng 10 phút kể từ khi vị Long Thần xuất ra cho đến lúc chúng tôi vào được bờ, ai chứng kiến được cảnh lúc đó đều kinh ngạc. Vào bờ gặp vị quản lý khu du lịch, cậu ta cũng ngạc nhiên vì nước biển hôm nay sao dâng lên quá nhanh, thời tiết sao kì lạ vì giờ mới 6g tối mà nước đã dâng lên đến mép bờ kè Khu du lịch. Trưởng đoàn giải thích là tuy vậy nhưng lễ Pháp Thuỷ đàn chúng tôi đã hoàn thành tốt đẹp, xong ai nấy hoan hỉ về phòng mình tắm rửa, dùng cơm tối và đi dạo biển đêm… Biển ban đêm rất đẹp, sóng nước rì rào, bình yên, xa xa có những chiếc thuyền thúng và thuyền nhỏ đi câu mực, câu cá. Ánh đèn từ các thuyền ấy như những ánh sao đêm lấp lánh. Ngọn Hải Đăng toả ánh sáng mạnh mẽ quang chiếu xung quanh ra xa để hướng dẫn tàu thuyền định vị vào bờ an toàn, không bị lạc cảnh thật nên thơ. Hải Đăng vẫn thế, lặng im, âm thầm bền bỉ làm nhiệm vụ của mình không ngừng nghỉ, mang bình yên đến cho bao người. Sáng hôm sau chúng tôi ra biển rất sớm đón ánh bình minh. Mặt trời từ từ nhô lên toả ánh nắng ban mai xuống, biển đẹp, xanh ngát và hiền hoà. Dân chúng đang đón thuyền cá, mực về, cuộc sống nhộn nhịp xen lẫn tiếng cười nói rôm rả. Tôi thả bộ ra biển mong định vị lại chỗ làm pháp Thuỷ Đàn, tìm lại gò cát hôm qua nhưng không thấy. Biển đã giấu đi mất rồi, chỉ nhìn thấy rõ Mũi Kê Gà lặng im, rì rào sóng vỗ nhẹ khiêm nhường và rêu phong. Ban ngày chắc đã có ánh mặt trời chiếu sáng tỏ xuống vạn vật rồi nên không cần phải phát sáng nữa. Hòn đảo nhỏ hình con Kê này đã có ở đây hàng triệu năm rồi, từ thời khai sơn lập địa, không phải đảo nhân tạo. Chỉ là thời Pháp thuộc người Pháp đã đến đây xây dựng trên phần đầu của con Kê này một ngọn Hải Đăng. Thiên nhiên đã tự an bài từ thuở nào, đủ duyên thì ra hình con Kê đầu đội ngọn đèn, chiếu sáng ban đêm tăm tối, dẫn dắt chúng sinh định vị, cập bờ an toàn, an vui. Gà là Kê, là thuộc họ điểu (chim). Đay là hình tượng của Phượng Hoàng. Đầu đội ngọn đèn là Hoả, là Phượng Hoàng Lửa. Trong Phong Thuỷ gọi là Chu Tước (hay Châu Tước) ngự tại Phương Nam. Hoàng là Vua của các loài chim, Phượng Hoàng là biểu tượng của sự bất diệt và hoà hợp âm dương. Vòng đời của chim Phượng Hoàng Lửa không bao giờ kết thúc, chúng sẽ tự tái sinh khi cảm thấy già nua. Qua mỗi lần tái sinh, Phượng Hoàng sẽ đẹp hơn, mạnh mẽ hơn và rực rỡ hơn. Phượng Hoàng chỉ xuất hiện trong thời kì thịnh vượng mà thôi. Trong Phật Giáo, Phượng Hoàng là biểu tượng cho sự tái sinh và ánh sáng của trí tuệ. Bất cứ sự khó khăn hay thống khổ cho dù chỉ còn một nắm tro tàn, Phượng Hoàng sẽ hồi sinh một cách rực rỡ, vi diệu và tuyệt đẹp. Phượng Hoàng được coi là sứ giả hạnh phúc của thế gian, mỗi cách 5 thế kỷ Phượng Hoàng sẽ mang theo tất cả bất hạnh không vui cùng với cừu hận ân oán của nhân gian dấn thân vào Liệt Hoả để tự thiêu lấy sinh mệnh của mình và kết thúc mỹ lệ để đổi lấy sự tương hoà và hạnh phúc của thế nhân. Sau khi thân thể trải qua sự thống khổ cùng cực lớn lao với luân hồi, Phượng Hoàng có năng lực Niết Bàn sống lại càng trở nên rực rỡ hơn, hoàn mỹ hơn và truyền kỳ hơn. Đầu như đầu gà, cổ cao như chim Hạc, mỏ dài như diều hâu, lông như vảy cá chép, đuôi như chim Khổng Tước và với thân hình cao, mắt sáng như ngọn lửa. Lông chim gồm năm màu: vàng, trắng, đỏ, đen và xanh lá cây tượng trưng cho Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ và cũng tượng trưng cho năm đức tính: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Lưng như mặt đất, đôi cánh dang rộng như ôm lấy bầu trời, lông đuôi thật dài và tuyệt đẹp toả bung ra như những vì sao lấp lánh trong vũ trụ. Là loài chim Thần tượng trưng cho Mặt Trời và là Sứ Giả giữa Thần Linh và con người. Khi Phượng Hoàng xuất hiện thường là những điềm báo may mắn, có Thánh Nhân xuất hiện và có sự thay đổi, sẽ bình an và thịnh vượng. Bạn cũng đã từng nhìn thấy trên bầu trời Tp.HCM Phượng Hoàng Lửa xuất hiện vài lần đẹp lộng lẫy  toả vầng hào quang rực rỡ, kì diệu như thế nào rồi. Ngoài ra, Phượng Hoàng Lửa còn từng là tiền kiếp của Đức Phật Như Lai. Biển vẫn trong xanh, cát trắng, sóng rì rào, gió thổi mát rượi. Mặt trời lên chiếu xuống biển những tia nắng vàng ươm theo sóng lăn tăn thành biển sóng vàng pha lẫn bạc. Đẹp quá. Phượng Hoàng Lửa đang im lặng ngắm đất trời bình yên và đợi đến khi đêm xuống lại âm thầm chiếu sáng soi rọi dẫn dắt cho chúng sinh đi biển quay về đất liền an toàn. Sau buổi dùng cơm trưa xong, đoàn chúng tôi lên đường về lại thành phố. Lòng chúng tôi ai nấy đều hoan hỉ, vui vẻ về chuyến đi rất tuyệt vời này. Một chuyến đi có rất nhiều điều bất ngờ và bổ ích, là đi giúp người hay vì đi giúp mình nhận ra thiên nhiên tươi đẹp đang ẩn chứa điều gì cần con người nên nhận biết và học hỏi, trân trọng và gìn giữ. Cảm ơn vj Trưởng đoàn cùng các anh chị em đạo hữu gần xa đã tổ chức, cho tôi được tham gia chuyến đi thiện nguyện ý nghĩa này để cho tôi được học hỏi, mở mang thêm tầm nhìn và sự suy ngẫm bấy lâu nay bị bó hẹp, nhỏ nhoi. Lòng tưởng nhớ về công đức của các anh em đạo hữu gần xa, nay người còn, người đã mất, người thì ở xa đã nhiệt tình thành tâm cúng dường, làm pháp Thuỷ Đàn mà xúc động và xin tri ân tất cả họ. Nguyện cầu Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo luôn gia hộ cho họ được nhiều phước lành, bình an và mạnh khoẻ, luôn sở cầu như ý, sở nguyện được viên thành. Ngôi chùa Thiện Tâm đó cùng với biển xanh Mũi Kê Gà và cả tôi nữa trong lòng vẫn ghi dấu chân họ đã từng lần đến với tâm thiện lành, một tấm lòng cho đi chẳng mong cầu sự báo đáp. Nhờ gió mang tấm lòng của họ bay đi thật xa, rải khắp muôn phương để ai cũng được hưởng pháp lành. Tôi thầm niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật” khi nhớ về họ và về chuyến đi này.   

Hồi kết:

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đều viên thành Phật Đạo.

    Ngày 21 tháng 11 năm 2021 Tịnh Thất Củ Chi. Phật tử Như Phúc    

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo