Huệ Nhãn Khi tôi nói vấn đề này, một thân chủ lâu năm đi kiếm cuốn sách để tìm hiểu (hình ảnh cuốn sách). Tôi thì chưa đọc cuốn sách này (thật ra đọc vài chương) nhưng tôi muốn nói với bạn về Huệ Nhãn theo cách phân tích và nhận định của mình trong quá trình đi làm tâm linh…chứ không theo những gì mà cuốn sách nêu ra của tác giả. Ngoài ra, trong cuộc sống hiện nay quá nhiều “giả tướng” nên bạn phải có “Huệ Nhãn” để phân tích và biết được đâu là đúng – sai, việc này là cần thiết để bảo vệ bản thân bạn cũng như tránh những điều xui rủi.. Tôi cũng muốn viết bài này để dành cho một vài thiện tri thức (là đệ tử Tổ Đường, Thân Chủ) khi nghiên cứu Dịch Học do tôi đã hướng dẫn thì nên biết về vấn đề này vì Huệ Nhãn sẽ giúp cho sự dự đoán của bạn thêm phần linh diệu, không phải phụ thuộc vào bất kì ai ngoài chính bản thân mình và học thuật mà mình có cơ duyên tiếp cận. Đầu tiên, bạn phải có yếu tố cần đó là “nhân duyên”, nếu bạn có tu tập mà thiếu “nhân duyên” thì việc hành trì e rằng khó đến được. Nhân duyên thì không thể “cưỡng” mà có, do đó bạn cứ xem con đường tôi đi qua như một kinh nghiệm cần nếu ngày nào đó bạn có đi trên con đường này hay bất kì con đường nào khác thì cuối cùng con đường nào cũng chỉ là phương tiện giúp bạn có cái nhìn của Chư Phật mà ta còn gọi là Huệ Nhãn vậy. Làm sao biết về Huệ Nhãn? Khái niệm này chỉ có thể hiểu nếu bạn cảm nhận được nó qua những cái mình “thấy”, cái “thấy” của bạn chỉ được mình bạn hiểu nhưng điều kiện là phải được “thực chứng” qua thực tế. Tôi luôn khuyến khích học trò mình đừng bao giờ sợ sai, sợ thất bại mà phải mạnh dạn thực hiện theo tinh thần “tận nhân lực, tri thiên mệnh”, chưa đi thì chưa thể đến. Dưới đây tôi sẽ phân tích 04 trường hợp mà tôi đã thực nghiệm như sau: Trường hợp 1: Đêm ngủ gặp vong Tôi có duyên về một miền quê ở Bắc Trung Bộ, đêm nằm ngủ trong ngôi nhà của gia chủ vì vùng đồi núi khó tìm được khách sạn. Đêm đó khoảng 12 h khuya khi nằm ngủ (nhập định) thì có 2 vong nữ (trung niên) đến nói chuyện với tôi về gia đạo. Sau đó vong có chỉ cho tôi vị trí của một cái giếng nằm trong góc của nền nhà ngoài một cái giếng hiện hữu mà gia chủ đang sử dụng ở trước cửa chính… Sáng dậy, tôi hỏi thăm gia chủ và thuật lại câu chuyện đêm qua. Gia chủ xác nhận có hai người nữ (miền quê gọi là O) tuổi trạc như tôi miêu tả và cái giếng họ cho tôi biết thì quả là có ngay vị trí mà tôi vừa chỉ. Do xây nhà nên đào giếng lấy nước, sau đó gia chủ cho lấp giếng và xây nền nhà chồng lên đó. Qua câu chuyện này, tôi xác định rõ là những vong mà tôi gặp là vong trong gia đình họ (Cửu Huyền Thất Tổ) và không phải là người bên ngoài vào. Vấn đề tâm linh giải quyết lúc này sẽ dễ dàng rất nhiều nếu trong gia trạch có sự hiện diện của ông bà tổ tiên (Cửu Huyền Thất Tổ). Trường hợp 2: “Cúng cho tôi sẽ phù hộ cho” Tôi có duyên đến cúng giúp cho một gia chủ ở quận 4 (Tp.HCM). Khi bước vô nhà có nhiều người chờ sẵn mà tôi chưa quen họ trước đó. Tôi hỏi gia chủ: “có ai tên Mười hay một con số liên quan đến số 10 không?” Gia chủ ngừng một lúc, một cô lớn tuổi chỉ vào anh gia chủ rồi nói với tôi: “nó sinh thứ 9, còn tôi chị nó thì tôi thứ mười”. Lúc này tôi nói luôn: “cô có một cái vong đi theo cô”. Cô ấy liền hỏi lại: “Thầy có thể cho tôi biết là nam hay nữ không ạ?” -là nam. Đó là một người trung niên, đạo công giáo. Cô Mười liền cho tôi biết trước đây khi thuê nhà ở đường Nguyễn Trãi, đêm cô nằm ngủ thì thấy có một vong là thanh niên có vẻ ốm và đen nhẻm (do thiếu ăn) ngồi trong góc nhà. Xưng tên là Trí, sinh năm 1969, là chủ nhà. Đói quá, xin cô cúng cho thì anh ta sẽ phù hộ cho. Sau đó cô Mười có mua chút lễ cúng ở ngã tư và một thời gian sau cô ấy chuyển qua nơi ở mới để thuê. Tuy nhiên, tôi có thể “thấy” người đàn ông này dù rằng đã chuyển địa chỉ ở và sau đó làm mâm lễ cúng an gia trạch và tiễn vong đi để mang lại sự bình yên cho gia đình. Ngày xưa các cụ thường dạy con cháu: có đức mặc sức mà ăn. Thật ra nếu ai đó phù hộ thì tôi nghĩ chỉ là vay mượn, sau bạn cũng phải trả (đa phần đều không tốt). Sống nên bằng thực lực của mình, sức bao nhiêu hưởng bấy nhiêu thì đủ duyên may mắn cũng sẽ gõ cửa nhà bạn thôi. Trường hợp 3: Rẽ trái hay phải Thầy? Tôi cùng đệ tử đi lang thang trên đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng), tính kiếm vài chai bia ngồi uống thầy trò ngắm cảnh cho vui. Kiếm quán để vào và không biết sẽ phải rẽ bên trái hay phải để có quán ngon (và rẻ nữa). Đang phân vân tại ngã ba Võ Nguyên Giáp/ Phạm Văn Đồng thì phía tay phải tôi trong nhà có ai đó ném cái “cùi bắp” ra trước mặt cách tôi vài bước chân. Tôi nói cậu học trò: “rẽ trái đi” Cậu ấy hỏi tôi: “sao rẽ trái mà không rẽ phải Thầy?” Tôi đáp: “bên phải là: đồ cùi bắp, đi bên trái chứ” Quả thật nhận định của tôi chính xác, tôi đã tìm được quán ăn đông nhất khu đó, lại rẻ nhất cũng nhiều du khách người nước ngoài cùng ngồi ăn. Cậu học trò cũng có thêm một kinh nghiệm thực tế hữu ích. Trường Hợp 4: Huân chương (huy hiệu) của cụ bà đâu? Tôi có duyên đến cúng giúp một gia đình ở đường Phổ Quang (Q. Tân Bình/ Tp.HCM). Khi vào đến bàn thờ, tôi nhìn di ảnh bà cụ và biết bà muốn cho tôi một thông điệp gì đó. Thật ra tôi cũng chưa hiểu thông điệp đó là thông điệp gì, việc cần là cúng an vị bàn thờ các cụ trong Cửu Huyền Thất Tổ và nếu vong của bà cụ là về thì phải có thông tin kiểm tra cho biết đó là vong của bà (phải được gia đình xác nhận) thì khi đó tôi mới tin là vong của người nhà. Sau khi làm các nghi thức tâm linh, tôi hỏi gia chủ bà cụ (đeo chuỗi phật tử, áo dài…theo hình chụp) có nhắc tới một huân chương (hay huy hiệu) gì đó và bà nói bà có cái đó. Gia chủ cho tôi biết bà cụ vốn là TNXP ngày xưa có huân chương, huy chương và hiện đang để ở bàn thờ bà tại tỉnh Bình Thuận… Tóm lại, bạn phải biết quan sát các dấu hiệu diễn ra xung quanh mình, mỗi dấu hiệu đến với bạn luôn mang một thông điệp và bạn cần phải giải các thông điệp này để “tìm phúc tránh họa”. Cái nhìn của bạn là cái nhìn của sự quan sát, phân tích và đặt trong một bối cảnh cụ thể thì mới tìm thấy câu trả lời vậy. Làm sao để đạt tới việc khai mở Huệ Nhãn: Có nhiều phương pháp khác nhau, nhưng để đạt được như những điều tôi nói bên trên có lẽ bạn theo con đường là nghiên cứu Dịch Học của Tổ Đường, tự bạn sẽ cảm nhận được qua việc thực hành hằng ngày, không có gì là khó cả. Phần 2: Các bài Pháp Nhãn: Làm sao để bạn có thể “rơi” vào những điều tôi đã đề cập ở phần trên? Làm sao để thực chứng những điều đó là đúng? Tôi không thể thuyết phục bạn nhưng bạn sẽ tự tìm lấy “đức tin” của mình…tôi sẽ dẫn dắt bạn đến và bạn sẽ tự “ngộ” vậy. Thả Diều: Một cô đệ tử theo học khóa ngắn hạn của tôi tại Tịnh Thất Củ Chi ngày 28/02/2020 và theo kế hoạch tôi sẽ dành ngày cuối cùng của khóa học sẽ là ngày mà gia đình tôi cùng cô ấy đi thả diều ở một cánh đồng gần đó và tôi đã mua 2 con diều trước đó vài ngày trên 1 tiệm tạp hóa dọc đường đi về Tịnh Thất Củ Chi với giá 160.000đ cho 2 con diều sặc sỡ… Kết thúc buổi cuối của khóa học, chúng tôi lên xe đến địa điểm thả diều và tôi quyết định mua thêm 1 con diều nữa với giá 70.000đ. Vợ tôi thắc mắc vì tôi đã mua cho 2 con diều cho 2 con của mình thả, vậy mua thêm 1 con nữa để làm gì? Tôi im lặng, đậu xe bên đường và nhờ cậu thanh niên đứng bán diều trên bãi thả diều bán cho tôi 1 con diều như ý…và tôi cho con gái của mình chọn lấy con mà cháu thích… Diều bay… Khi cả nhà cùng thả diều, con diều của con tôi bay cao thật xa và mạnh…mọi người cùng vui đùa ngắm diều của mình bay lượn trên cao. Có lẽ ai cũng có một khoảng thời gian được trở về với thời thơ ấu của riêng mình….bỗng con tôi vụt tay và sợi dây diều tuột bay khỏi tay cháu bé 9 tuổi, con quay diều lao nhanh về phần cuối đất và có lẽ con diều sẽ biến mất trong không trung…nhưng không, cuối của phần đất thì sợi dây bị chụp lại trong chưa đầy 4 giây bởi người đã bán cho tôi con diều với giá 70.000đ. Khi con tôi được cầm lại con diều, cháu đã có một bài học cho riêng mình khi cầm một vật gì con phải cầm cho thật chặt (dù tôi đã cảnh báo con trước lúc thả diều). Còn cô học trò và vợ tôi đã học được một bài học. Tôi bảo với cô ấy: “tôi chấp nhận mua một con diều để cứu một con diều”. cho đến khi tôi viết những dòng này cho bạn, trong xe tôi hiện vẫn còn 3 con diều và một ngày nào đó, tôi tin rằng những con diều ấy lại tiếp tục tung bay trong gió… Bạn hãy để những người am tường hơn bạn thực hiện hay ngăn ngừa những rủi ro có thể sẽ xảy ra vì trong một lúc bạn không thể đóng nhiều vai trò…vấn đề bạn sẽ là người “nhìn thấy” được việc đó vậy…cô học trò của tôi đến hôm nay vẫn không quên bài học thả diều ấy và cô nhắn tôi nhớ đưa vào bài học của ngày hôm nay… Chúc bạn ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc bên gia đình. Đỗ Ngọc Anh, ngày 13/06/2020.