Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo nhưng nổi tiếng là “địa linh nhân kiệt” ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ), ngay từ hồi nhỏ, Tôi đã được chứng kiến nhiều chuyện tâm linh kỳ bí. Trong đó có rất nhiều chuyện xảy ra với chính tôi, gia đình tôi. Những chuyện tôi sắp kể đây chỉ là một phần trong hàng ngàn chuyện mà tôi đã từng trải nghiệm, chứng kiến.
Mang họa vì “trêu” ngựa của Đức Ông:
Thuở nhỏ, vào những ngày rằm và mồng một, tôi vẫn thường theo mẹ đi lễ chùa. Chùa làng tôi tuy không lớn nhưng cổ kính, nằm cách nhà tôi mấy chục bước chân, nổi tiếng là linh thiêng. Những ai bị ốm đau, mất trộm mất cắp lên chùa kêu cầu chỉ một hai hôm là bệnh đỡ, đồ bị lấy mất, kẻ trộm mang đến trả, để tận nhà. Nhiều người hiếm muộn con cái đến chùa làm lễ cầu, một thời gian sau sinh được con. Có người cao số, khó lấy vợ lấy chồng, đến chùa cầu, chỉ ít hôm là tìm được ý trung nhân. 43 tuổi, bố mẹ mới sinh ra tôi. Mẹ tôi kể lúc mang thai bà thường lên chùa cầu nguyện Đức Phật phù hộ cho bà đẻ được một quý tử. Vì trước đó, mẹ tôi sinh toàn con gái. Lúc tôi chào đời, mẹ khóc òa vì sung sướng. Cha tôi mở tiệc linh đình suốt 3 ngày 3 đêm. Cụ Mão, cụ đồ nổi tiếng trong làng đến dự tiệc, đặt tên cho tôi là Hoàng Anh Sướng với hàm ý bố mẹ tôi quá vui sướng khi sinh được một quý tử, thỏa lòng mong ước bấy lâu, đồng thời, cũng mong muốn cuộc đời tôi sau này được sung sướng. Có điều, lúc bé tôi rất hay đau ốm, sài đẹn. Thấy vậy, cụ đồ Mão khuyên cha mẹ tôi bán khoán tôi lên chùa để được Thần Linh che chở. Đó chính là lý do mà ngày rằm mồng một nào, dù bận rộn đến đâu, mẹ cũng đưa tôi lên chùa lễ Phật.
Một lần, trorng lúc mẹ tôi đang cầu nguyện ở ban Tam Bảo, tôi lẻn ra ban thờ Đức Ông. Thấy con ngựa gỗ đen bóng cao lớn, có bờm và râu rất đẹp đặt ở trước ban, tôi liền sà tới vuốt thân, sờ chân, xoa mõn, dứt râu ngựa. Tối đó, về nhà, tôi nằm mơ thấy một ông quan cao lớn, mặt đỏ, râu dài, đầu đội mũ trụ, thân mặc giáp, tay cầm thanh long đao, cưỡi con ngựa đen, tiến về phía tôi, mắt nhìn đầy giận dữ. Trông ông giống như ngài Hộ Pháp tôi thường nhìn thấy trong chùa. Tóc tôi bỗng dựng ngược, sởn da gà, người lạnh toát. Tôi muốn kêu lên mà quai hàm cứng ngắc. Con ngựa vẫn lừ lừ tiến về phía tôi rồi bất ngờ chồm hai chân trước đá vào mặt khiến tôi ngã bổ ngửa. Tôi giơ tay ôm mặt hét lên vì đau đớn. Tiếng hét giữa đêm khuya thanh vắng đã đánh thức mẹ tôi. Bà hốt hoảng lao đến chỗ tôi nằm, tỉnh giấc mộng mà tim tôi vẫn đập thình thịch, chân tay run rẩy vì chưa hết sợ hãi. Sáng dậy, mặt bên phải tôi bỗng sưng vù, lệnh hẳn cả khuôn mặt. Nghi tôi bị bệnh quai bị, mẹ đưa tôi lên trạm y tế xã khám. Kiểm tra nhiệt độ không thấy sốt, sờ vào chỗ sưng cũng không thấy đau, cô y tá bảo, chắc là tôi bị dị ứng do con gì đó đốt. Cô cho thuốc về xoa. Hôm sau, má trái tôi sưng nốt. Mặt trông như cái mâm. Mẹ tôi sực nhớ đến giấc mơ hãi hùng bị ngựa đá của tôi tối hôm trước. Bà liền chạy đến nhà cụ đồ Mão, kể lại toàn bộ câu chuyện. Nghe xong, cụ cười hiền, vuốt chòm râu bạc như cước, bảo: ”Cháu nó không sao đâu, chị đừng lo. Bây giờ, chị về mua ít thanh bông hoa quả và nén hương, 10h tôi sẽ lên chùa dâng sớ, làm lễ cho cháu”.
Không biết trong lá sớ cụ đồ Mão viết những gì, khấn nguyện ra sao mà ngay buổi chiều hôm ấy, mặt tôi đỡ sưng dần. Sáng hôm sau thì trở lại bình thường như cũ. Thấy kì lạ quá, tôi bèn kể cho nhóm bạn chơi khăng cùng xóm. Chúng nó không tin, bảo tôi điêu, bịa chuyện. Thằng S, con chú Đ, chủ quán lòng lợn tiết canh ngoài đê, nổi tiếng là nghịch ngợm, ngổ ngáo, mắng tôi là “đồ thần kinh hoang tưởng, học lắm vào nên ngô chữ”. Nó túm tay tôi, lôi xềnh xệch lên chùa bảo:”Sướng! Mày mở mắt to mà nhìn tao đây này”. Nói đoạn, nó nhảy tót lên lưng con ngựa gỗ, phi nhong nhong. Vừa phi, nó vừa đạp chân, thụ tay vào hông, vào sườn con ngựa gỗ. Thấy tôi kể bị ngựa đá sưng mặt do dứt chùm râu ngựa, thằng S thò tay túm giật cả cụm rồi thổi tung tóe khắp chùa. Chưa hết, nó tụt quần, quay mông về phía bàn thờ Đức Ông, vừa vỗ đen đét, vừa cười hô hố. Cả đám đi cùng cười hỉ hả. Thằng S chỉ mặt tôi bảo: “Ngày mai, tao mà không bị ngựa đá sưng mặt thì tao sẽ vả vào mặt mày đến khi sưng vù như cái lệnh vỡ thì thôi”.
Dọa tôi xong, cả hội kéo nhau ra cây thị ở cổng chùa. Cây thị tuổi đời dễ mấy trăm năm , to 3-4 người ôm, thân mốc thếch. Vào mùa hạ, thị chín, hương thơm lừng khắp xóm. Tôi và thằng Hà nhỏ tuổi nhất, lại không biết trèo, được phân công ở dưới canh chừng, sợ Sư Thầy bắt. Thằng S thằng Thắng, thằng Dậu hăm hở trèo. Chúng nó leo như con khỉ, thoắt một cái đã chon von tít trên cây. Mỗi khi hái được trái nào chúng nó lại ròng dây xuống, tôi và thằng Hà đứng dưới đỡ. Hái được chừng hơn chục quả, bỗng tôi nghe tiếng thằng S kêu: “Ối tổ ong bắp cày chúng mày ơi. Nó đốt tao đau quá” Tôi vừa ngước mắt lên cây hướng về chỗ thằng S trèo thì nghe đánh “huỵch”. Tôi giật mình nhìn xuống thằng S nằm giãy trên nền gạch, tôi và thằng Hà chạy lại. Máu từ mũi, từ mồm, từ tai thằng S chảy lênh láng. Mắt nó trừng trừng nhìn tôi. Mấy chú hàng xóm nghe thấy tiếng chúng tôi kêu, vội bế thốc chằng S chạy lên trạm xá y tế xã. Nhưng nó đã chết ngay trên đường. Người ta bảo, nội tạng nó bị dập nát hết. Đầu nó cũng bị vỡ. Từ bấy, tôi sợ không dám lên chùa.
Tấm bia căm thù giặc Mỹ:
Cha tôi bảo: “Ngôi chùa làng mình thiêng lắm. Thời chống Mỹ, chùa làng tôi là nơi họp bàn thường xuyên của nhiều cán bộ cao cấp. Tối ngày 5 tháng 2 năm 1968, một số tướng lĩnh quân đội bí mật về chùa làng tôi họp bàn. Không biết mật thám địch dò la tin tức thế nào mà 6h sáng hôm sau, ngày 6 tháng 2 năm 1968, khi các tướng lĩnh vừa rút khỏi chùa thì máy bay Mỹ ào đến thả bom. Chúng nhằm chùa và đình làng tôi mà thả. Bom trút xuống như mưa. (Đình làng tôi lúc đó làm kho chứa lương thực cho quân đội. Chuyện sẽ kể ở phần sau). Kỳ lạ thay, đình và chùa làng tôi không hề sứt mẻ gì. Vì bom thả chệch. Xung quanh chùa hàng chục hố bom to hàng trăm m2 , sâu 3m-4m. Sau này, hố bom trở thành hệ thống ao, chuôm bao quanh chùa. Đình làng cũng vậy, vẫn vẹn nguyên. Chỉ có những người dân vô tội xóm tôi là chết như ngả rạ. Nhà bác Ngh. Cách nhà tôi không xa, chết liền một lúc 3 người. Chị Gái, con cả của bác bị mảnh bom phay trúng bụng, gan ruột lòi hết cả ra ngoài. Chị dang hai tay, ôm đóng lòng, lết đến cửa hầm thì chết. Nhà ông V, chết cả 4 vợ con. Xác nằm dài một dãy. Nhà bà L., chết hai người. Đầu bay một nơi, chân tay văng một nẻo. Anh K đầu xóm bị bom rơi trúng đầu. Xác tan thành trăm mảnh, gan, ruột bay lên cả bụi tre. Mấy ngày sau, mùi tử khí tỏa ra, bầy chim kéo đến rỉa, dân làng mới biết. Trận mưa bom ấy kéo dài chừng 15 phút nhưng riêng xóm tôi đã chết mất hơn 20 người. Tiếng khóc than dậy trời đất. Ngày 6 tháng 2 trở thành ngày giỗ của rất nhiều gia đình. Để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số ấy, làng tôi đã dựng một tấm bia to ngay đầu ngõ nhà tôi, dưới gốc cây đại cổ thụ, gọi là bia căm thù. Sau này, nỗi đau nguôi ngoai, ngẫm về trận bom kinh hoàng ấy, người dân quê tôi lại bàn về sự linh thiêng của ngôi chùa. Họ bảo, chỉ có sự linh ứng chở che của các đấng thần linh, đình chùa làng tôi mới nguyên vẹn trong cơn mưa bom bão đạn khủng khiếp. Từ đấy, cứ vào ngày rằm, mồng một, người ta lại kéo đến chùa lễ đông như trảy hội.
Bệnh đau mắt lạ lùng bác sĩ không chữa nổi
Trước cửa chùa là thửa ruộng của gia đình tôi. Mộ ông nội tôi chôn ngay ở đó, ông mất năm 1934, khi cha tôi mới tròn hai tuổi và bà nội đang mang thai chú tôi. Nghe đâu, ông tôi làm ở Sở dầu nhưng ngầm hoạt động cách mạng. Sau này mật thám Pháp phát hiện ra nên ông tôi bị giết. Mộ ông chôn sơ sài, chỉ có tiểu sành không có nắp đậy nên phải dùng mấy viên gạch đặt lên trên. Năm 1970, chú tôi khi đó là sĩ quan học viện an ninh, bỗng bị đau mắt nặng. Hai mắt sưng vù, lòng mắt đỏ như hai cục tiết, rất đau đớn. Chú tôi điều trị hết Bệnh Viện Mắt Hà Nội rồi Bệnh Viện Mắt Trung Ương, chuyển từ Tây Y sang Đông Y mà không đỡ. Các bác sĩ đều lắc đầu thở dài, không biết đích xác chú tôi bị bệnh gì. Thím tôi về quê, gặp cha tôi, khóc nức nỏ. Thương em, cha tôi đạp xe vào tận vùng núi Miếu Môn, tìm gặp một thầy tâm linh nổi tiếng. Thầy bảo: chú tôi không phải mắc bệnh trần mà là bệnh âm, nguyên do động mộ ông nội tôi. Có cái rễ cây ăn vào trong mộ. Vì thế, muốn khỏi mắt phải chữa bằng tâm linh, không thể bằng thuốc. Về nhà, cha tôi bàn bạc với bác tôi về việc đào mộ ông nội lên, nhưng bác tôi gạt ngay. Là đảng viên, cán bộ xã, bác tôi không tin vào tâm linh, bói toán.
Bệnh của chú tôi ngày càng nặng, nguy cơ bị mù. Cha tôi ra Hà Nội thăm chú, hai anh em ôm nhau khóc nấc. Buổi chiều muồn, vừa về nhà, buông chiếc xe đạp, cha tôi vội vã cầm cuốc, thuổng, bí mật ra ngoài ruộng, đào mộ ông nội tôi. Đào sâu chừng 80cm thì tới tiểu. Cha tôi sững người khi phát hiện ra mấy viên gạch đặt trên tiểu bị vỡ.. Nguyên nhân có thể do sức ép của trận bom kinh hoàng năm 1968. Nhấc mấy viên gạch ra, cha tôi khóc òa. Mấy cái rễ của bụi chuối gần đó đã len lõi qua hàng gạch vỡ, bò vào hai hốc mắt của ông tôi. Rễ nó trắng nhởn, to mập. Cha tôi nhẹ nhàng gỡ bỏ đám rễ chuối, thay chiếc tiểu mới rồi bí mật chôn lấp lại. Hôm sau, cha tôi sửa soạn lễ chay, lễ mặn, vàng mã, hương hoa, mời cụ đồ Mão ra mộ làm lễ tạ, hoàn long mạch. Kỳ lạ thay, ngay tối hôm ấy, mắt chú tôi đỡ dần và một tuần sau thì khỏi hẳn. Ai cũng kinh ngạc. Các bác sĩ ở bệnh viện mắt tìm gặp chú tôi, hỏi xem vị thần y nào đã cứu giúp đôi mắt của chú tôi. Nhưng chính chú tôi cũng không biết vì sao mình bỗng dưng khỏi bệnh. Bởi chuyện đào mộ ông nội, cha tôi giấu nhẹm.
Cha tôi có hai anh em ruột là bác tôi và chú tôi. Ba anh em cách nhau mỗi người 2 tuổi. Mồ côi cha từ nhỏ nên ba anh em yêu thương nhau hết mực. Sau này, mỗi người đều có gia đình riêng nhưng mỗi khi giỗ ông bà nội, ba anh em lại có dịp quây quần hội ngộ. Họ ríu rít thâu đêm, ôn nghèo kể khổ. Bác tôi bảo: “mừng nhất là nhờ hồng đức của ông bà, tổ tiên mà 3 gia đình anh em chúng ta đều phương trưởng”. Cha tôi trầm ngâm bảo: cuộc đời vô thường lắm anh ạ, hôm nay thế này ngày mai đã khác không ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao? Em nghĩ anh em mình hãy sống sao cho thật tử tế, tích thêm phúc đức cho con cháu. Em chẳng cầu mong danh lợi, bạc tiền, chỉ mong sao anh em con cháu mình được hai chữ bình an”. Nhưng hai chữ bình an mà cha tôi cầu mong ấy đã không kéo dài được bao lâu.
Những tai họa rợn người:
Liên tiếp các “cơn bão lớn” ập đến đại gia đình tôi, bắt đầu là từ nhà chú tôi. Năm 1987, em Sơn, con trai út của chú tôi, 16 tuổi đang học lớp 8 (thời ấy chương trình học phổ thông chỉ học hết lớp 10), rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi. Một lần đi học về, em Sơn kêu đau bụng và sốt. Thím tôi cho em uống thuốc hạ sốt nhưng em sốt càng cao, bụng trướng to. Đưa em đi viện, cả nhà ngả ngửa khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm: em Sơn bị ung thư máu (còn gọi là ung thư bạch cầu, bệnh máu trắng), một dạng ung thư ác tính. Bác sĩ giải thích, khi mắc bệnh, bạch cầu trong cơ thể sẽ tăng đột biến. Thông thường, bạch cầu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, tuy nhiên khi tăng lên đột biến, số lượng lớn bạch cầu sẽ trở nên “hung dữ” và gây hại cho cơ thể. Khi đó, bạch cầu sẽ bị thiếu “thức ăn”, dẫn đến hiện tượng “ăn” hồng cầu khiến cho các hồng cầu bị phá hủy dần, người bệnh thiếu máu dẫn đến tử vong. Đau bụng, sốt là một trong những triệu chứng của bệnh ung thư máu. Đó là kết quả của việc các tế bào ung thư máu tích tụ trong thận, gan và lá lách khiến bụng to ra. Em Sơn sụt cân rất nhanh, suốt ngày kêu rên vì đau đớn. Xoan bóp lưng, chân, tay cho em, em càng kêu đau do tủy xương bị lấp đầy bởi các tế bào bất thường. Những ngày cuối cùng, em không kêu rên được nữa. Em nằm thoi thóp thở, từ lúc em phát bệnh đến lúc từ giã cõi đời chỉ chưa đầy 1 tháng.
Năm 1988, sau cái chết của em Sơn một năm là cái chết của anh Hải, con trai nhà bác tôi. Anh mắc bệnh suy thận. Chân tay mặt lúc nào cũng phù thủng, da dẻ tím tái. Thỉnh thoảng, anh lại lăn đùng ra ngất. Một tuần, anh phải chạy thận nhân tạo 2-3 lần. Mỗi lần chạy thận, người ta lại luồn ống dẫn qua ổ bụng, máu chảy lênh láng, đau đớn vô cùng. Nhiều lần tôi phải nhét khăn mặt vào miệng anh, sợ anh cắn vào lưỡi. Ngày ấy chưa có bảo hiểm y tế chi trả như bây giờ nên chạy thận vô cùng tốn kém. Mỗi lần chạy thận mất một chỉ vàng. Cho đến khi nhà bác tôi khánh kiệt thì anh cũng ra đi khi tròn 18 tuổi.
Đầu năm 1989, chị gái tôi bị ung thư trực tràng khi đang học lớp 12 khối chuyên văn tỉnh Hà Tây (cũ). Thoạt đầu, những triệu chứng biểu hiện y chang như bệnh kiết lỵ nên gia đình tôi điều trị cho chị ở bệnh viện huyện. Hai tháng sau, bệnh ngày càng nặng. Bác sĩ nghi ngờ chị tôi bị bệnh ung thư nên chuyển chị ra bệnh viện K Hà Nội. Sau khi làm tất cả các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị tôi bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối, đã di căn lên gan nên không thể phẫu thuật. Hy vọng kéo dài sự sống vô cùng mong manh. Mẹ tôi khóc ầm lên. Cha thì chết lặng. Ngay tối hôm đó, cha tôi đã đi mời bác và chú tôi đến họp bàn. Cha tôi bảo, chắc chắn gia đình mình vướng mắc gì đó về tâm linh nên mỗi gia đình mới mất một mạng người như thế. Mà toàn người chết trẻ. Cha tôi sực nhớ đến vị thầy tâm linh nổi tiếng ở Miếu Môn, người đã phát hiện ra mộ ông nội tôi bị động năm 1970 khiến chú tôi suýt mù. Sáng sớm hôm sau, ông hớt hải đạp xe đi, lòng thấp thỏm không biết vị thầy đó còn sống hay đã chết. Thật may, ông cụ vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh dù tuổi đời đã ngoài 80. Cụ bảo: “nhà bác có dùng vật gì đó của nhà chùa thì mau gửi lại, không dùng được đâu. Xa xưa, dòng tộc nhà bác có một vị làm quan xử sai vụ án khiến 3 người trong một gia đình bị chết oan. Vong hồn họ hận oán nên tìm cách trả thù. Đến bây giờ, họ mới đủ duyên để đòi món nợ cũ. Bác nên về làm trai đàn chẩn tế giải oan, cầu siêu cho họ. Hi vọng sẽ giải trừ được hận oán, hờn oán. Nếu không, oan oan tương báo còn kéo dài không biết đến bao giờ”.
Thông tin đầu tiên mà nhà tâm linh cung cấp, cha tôi xác nhận hoàn toàn chính xác. Đó là chiếc sập gụ có từ đời ông nội tôi. Ông mua lại từ một người làm nghề mộc, nức tiếng ở làng bên. Vị này thường mua gỗ của các đình, chùa về đóng bàn ghế, sập gụ, tủ chè, bán cho khách. Dẫu rằng ông nội tôi đã bỏ tiền ra mua nhưng vì liên quan đến của chùa nên cha tôi bàn với bác tôi đem trả lại.
Còn thông tin thứ 2 về một cụ nào đó trong dòng họ từng làm quan đã xử án oan cho người? Cha tôi đã đến nhà cụ trưởng họ mượn cuốn gia phả, tra cứu kĩ từng dòng, đọc đến trang 6 dòng thứ 22 cha tôi giật mình khi nhìn thấy dòng chữ: cụ Hoàng Nghĩa X., làm quan tri phủ đời Lê, năm Hồng Đức thứ 2…mặc dù trong gia phả không ghi chép chuyện cụ có xử án oan hay không nhưng cha tôi tin vào lời phán của vị thầy tâm linh nổi tiếng kia. Thế là, cha tôi thỉnh mời 3 nhà sư cùng 5 thầy pháp sư đến nhà lập đàn làm lễ giải oan, cầu siêu, cầu bình an…Đàn lễ kéo dài suốt 3 ngày 3 đêm. Tôi xin nghỉ học, ở nhà, ngồi cháp tay thành tâm cầu nguyện cho chị tôi vượt qua cơn bạo bệnh. Gần cuối trai đàn, cụ đồ Mão làm lễ xin cho chị tôi tai qua nạn khỏi. Sau khi tụng kinh, dâng sớ, cầu nguyện cho chị tôi, cụ cầm 2 đồng trinh trên tay, gieo quẻ âm dương. Tay cụ run run. Tim tôi đạp thình thịch. Cả nhà nhín thở dán mắt vào chiếc dĩa. Cụ đồ Mão gieo 5 đài cả 5 đài đều không được, toàn sấp. Cụ lắc đầu thở dài buồn bã. Mẹ tôi òa khóc nức nở, còn cha lén đưa tay vuốt nước mắt.
Hai ngày sau khi lập đàn lễ, chị tôi mất. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới nếp trải nỗi đau khủng khiếp khi mất người thân. Suốt mấy tháng trời chị tôi đau bệnh, mỗi khi gần chị, cha tôi đều cố gắng kìm nén nỗi xót thương, cố gắng mỉm cười, động viên chị. Giờ cha tôi ôm ghì xác chị trong vòng tay, khóc nấc lên: “con tôi có tội tình gì mà các người nỡ bắt đền tội, sao các người không bắt tôi đi”. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi chợt thấm thía tận cùng sự công bằng đôi khi đến nghiệt ngã của luật nhân quả, nghiệp báo. Tôi hiểu một cách xót xa: Đời có vay ắt phải trả, không sớm thì muộn. Đời cha chưa trả, đời con phải trả thay…/ Hoàng Anh Sướng (báo Tuổi Trẻ Đời Sống ngày 7-11-2016)