Loading

GẶP 2 LINH THÚ TIẾP THEO: LONG VÀ QUY

Đứng đầu trong bộ Tứ Linh là Long (Rồng), biểu tượng cho sức mạnh quyền lực và trí tuệ Rồng. nắm giữ sức mạnh vượt trội của muôn loài, có quyền uy bậc nhất. Trong văn hoá nghệ thuật phương Đông, loài Rồng xuất hiện mang sức sống mãnh liệt, cao quý, tài lộc và công danh. Rồng được cọi là vị thần giúp mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, cuộc sống no ấm. Do đó, trong tín ngưỡng văn hoá Á Châu, mỗi khi hạn hán mất mùa, Vua thường đại diện cho toàn dân đến làm lễ cầu mưa tại miếu Long Vương và thường được như nguyện.

Quy (Rùa) là biểu tượng cho sức khoẻ dồi dào và sống trường thọ. Đây là loài bò sát có tuổi thọ cao, có sự sống mãnh liệt ngay cả khi sống trong môi trường thiếu thức ăn. Rùa tượng trưng cho tinh thần thanh cao và sống thoát tục, trường tồn bất diệt được xem như sự hội tụ của trời và đất, âm dương. Bụng rùa tượng trưng cho mặt đất và mai rùa hình vòm tượng trưng cho vòm trời Rùa đá có mặt trong rất nhiều truyền thuyết như vua An Dương Vương được Thần Kim Quy tặng nỏ thần để xây dựng và bảo vệ thành Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội), hay rẽ nước lên đón vua An Dương Vương xuống biển ở Nghệ An sau khi chém công chúa Mỵ Châu (ở núi Mộ Dạ), hay như cho Lê Lợi (sau là vua Lê Thái Tổ) mượn gươm Thần đánh thắng giặc ngoại xâm, nước nhà thống nhất rồi lên thu hồi kiếm thần về như chuyện Hồ Gươm, hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm ở Thủ Đô Hà Nội mà ai cũng biết…

Tôi viết những dòng này vì đây là những Linh Thú mà bấy lâu nay tôi vẫn thường ngưỡng mộ, nhưng không nghĩ rằng mình rồi cũng có ngày có duyên gặp được trong duyên sự rất hy hữu, tình cờ. Đúng là nhiều khi không cầu mà được. Để tôi kể bạn nghe là chúng tôi đã gặp được hai linh thú này như thế nào nhé.

Năm 2020 vào đầu năm chừng tháng 3 dương lịch là tiết thanh minh, thường là sửa sang mồ mả báo hiếu Tổ Tiên, Ông Bà. Lâu rồi cũng chưa có dịp về thăm quê nội ở Quảng Ngãi, đưa con gái út về thăm quê cha đất tổ, giới thiệu cho cháu biết về nguồn cuội tổ tông và cũng muốn tạo một phúc lành nào đó cho quê hương mình.

Cha tôi sinh ra ở Quảng Ngãi, còn ông nội tôi thì lại ở Quảng Nam. Lúc sinh thời ông nội tôi vì làm rể ở Quảng Ngãi nên thường nhớ về quê nhà, hay nhắc về dòng sông Thu Bồn đầy tuổi thơ của ông. Còn cha tôi thì lúc ở bên cạnh chúng tôi (ở Sài Gòn) thì thường hoài niệm về ông nội và dòng sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Vậy là tôi phát nguyện về làm pháp Thuỷ Đàn, thả cá phóng sinh ở bên hai dòng sông này để tạo phước lành báo ơn Tam Bảo, Chư vị Thần Linh, ơn Tổ Tiên cùng những chúng sinh khác đã tạo dựng lên vùng đất tuyệt đẹp, vùng đất có rất nhiều địa linh nhân kiệt. Bày tỏ nguyện vọng của mình, tôi được anh chị em huynh đệ khác rất hoan hỉ, đồng lòng góp sức ủng hộ và chúng tôi sắp xếp khởi hành.

Đáp xuống sân bay Chu Lai (Quảng Nam), đoàn gọi taxi về một khách sạn ở Quảng Ngãi, một biệt thự đẹp và rất yên tĩnh bên bờ sông Trà Khúc, gần núi Thiên Ấn. Nhận phòng ốc xong, chúng tôi nghỉ ngơi một lát rồi thuê xe máy của khách sạn đến thăm một người chị gái của tôi nhà ngay giữa trung tâm thành phố. Thăm viếng gia đình chị ấy xong tôi ngỏ ý mời chị cùng tôi đi thăm nhà thờ tổ của dòng họ, mộ tổ tiên, chỗ ở ngày xưa của ông nội và ba tôi, thăm khu mộ nơi Má Hai tôi mới mất được chôn cất. Chị ấy rất hoan hỉ nhận lời, vậy là chúng tôi về lại khách sạn, chuẩn bị hành trình.

Sáng hôm sau, dùng bữa sáng xong chúng tôi lên đường đón chị ấy cùng đi, ghé qua chợ sắm ít đồ lễ, hoa trái cây, bánh kẹo, nhang đèn, giấy tiền vàng mả…Rồi đến nhà thờ tổ trước, hỏi thăm sức khoẻ gia đình người trưởng tộc trong coi hương hoả, xong thắp hương dâng lễ, cúng tịnh tài và ra khu mộ Tổ Tiên thắp hương, dâng lễ khấn nguyện: “ Chúng con là con cháu các cụ từ miền nam xa xôi nay về được thắp hương kính bái Tổ Tiên, Ông Bà. Các cụ đã khuất bóng nay con không có gì dâng biếu, tấm lòng hiếu thảo biết ơn các cụ rất nhiều. Nay con muốn làm việc thiết thực là sẽ đi cúng dường Tam Bảo và thả cá phóng sanh ở sông Trà Khúc và sông Thu Bồn, ngưỡng mong tạo công đức lành hồi hướng phước lành về cho các cụ, mong các cụ có thêm phước báu siêu sanh về chỗ thiện lành. Con kính mời các cụ cùng đi chùa cúng dường thả cá với chúng con và mong các cụ mời thêm thật nhiều người quen biết của các cụ, càng nhiều càng tốt, hết những âm phần của toàn tỉnh Quảng Ngãi này thì càng vui để đều nhận được phước lành. Con cầu mong các cụ đồng lòng ủng hộ” Rồi đến nghĩa trang rừng dương biển Bình Châu, nơi Má Hai tôi nằm. Chúng tôi cũng khấn mời y vậy và khi đoàn nghỉ chân ở bãi biển Mỹ Khê tuyệt đẹp chúng tôi cũng mời như vậy và đón người âm ở vùng biển về tham dự lễ.

Vậy là đã hết một ngày chúng tôi khấn hương khắp nơi khấn mời mọi người âm cũng đi chùa cúng dường và tham dự lễ pháp Thuỷ Đàn, hưởng phước lành con cháu dâng cúng, hồi hướng cho tất cả các hương linh ở tỉnh này (chúng tôi gọi là đi phát thiệp mời dự lễ).

Ngày hôm sau chúng tôi lên đường lên núi Thiên Ấn. Trên đường đi, gần chùa Long Sơn chúng tôi thấy có bán rất nhiều lươn, không có cá do người âm được mời nhiều mà họ biết loại nào phóng sanh thích hợp ở khúc sông này nên họ khiến cho gần chục bà bán lươn đứng đợi sẵn gần vực chờ chúng tôi đến. Đoàn đã mua gần hết số lươn ấy của họ rồi nhờ họ giữ giúp số lươn trên để chúng tôi lên chùa bái Tam Bảo trước rồi nhân cá lươn phóng sinh sau. Họ vui vẻ gật đầu.

Thiên Ấn Tự

Lên xe đi rồi Chị Hai tôi ngạc nhiên lắm, nói sao mọi ngày tiền tìm mua lươn rất hiếm nay sao lại thấy bán toàn lươn mà lại bán chỗ này nữa là nơi vắng vẻ, không có họp chợ búa gì sao lại có bán lươn? Chị nào có biết người âm rất hay, mình lòng thành mời họ đến dự lễ thì họ cũng phụ giúp một tay, khiến mang lươn  (Thuỷ Long) rất nhiều ra vực chờ sẵn, giúp đoàn đỡ vất vả vào chợ tìm mua rồi khiêng ra. Rất cảm kích sự chu đáo của họ, biết họ chuẩn bị cho chúng tôi. Nhìn quanh thì ngoài chúng tôi ra, không có bất kì ai hỏi mua hoặc quan tâm cả, đi ngang qua mà không đoái hoài.

Ngôi chùa đầu tiên chúng tôi đến kính bái là chùa Long Sơn ở trên núi Long Đầu. Nhìn từ đỉnh núi Thiên Ấn, dãy Long Đầu nhấp nho uốn lượn tựa như một con Rồng thiêng, đuôi trầm mình xuống vùng biển, thân hùng dũng băng qua bao la đồng ruộng núi đồi, đầu vươn về phía vực sông Trà. Tại đây, dòng nước từ thượng nguồn  đổ về, sau nhiều lân quanh co uốn khúc lại chảy thốc vào chân núi, ào ào cuộn xoáy dưới chân Long Đầu Sơn như thể đầu rồng đang giỡn cũng con nước. Cảnh đẹp vừa hùng tráng vừa nên thơ được đặt cho một mỹ từ:  “Long Đầu Hý Thuỷ”. Trên núi có miếu thờ Long Vân Tướng Quân, sườn núi có 3 đường đi lên, sâu như giếng. Nghe đồn rằng ngày xưa tà pháp sư Cao Biền có cưỡi diều giấy đến vực này trấn yểm đoạn long mạch, thực hư như thế nào chúng tôi cũng không biết nữa.

Núi Long Đầu

Khi đến chùa Long Sơn, chúng tôi vào bái Phật, cũng dường Tam Bảo thì gặp được vị trụ trì lớn tuổi, ông nhìn ngoài 80 trong rất phúc hậu, hiền từ và rất vui vẻ. Thầy hỏi chúng tôi từ đâu đến, tôi vội bạch” “Bạch Thầy, chúng con từ Sài Gòn về đây thăm quê cha đất tổ, nay hữu duyên đến đây xin được cúng dường Tam Bảo, sau khi cúng dường xong chúng con sẽ đi thả lươn cá phóng sanh, ngõ hầu tạo phước lành xin hòi hướng về thập hương thường trụ Tam Bảo, cho Tổ Tiên và cho tất cả muôn loài chúng sinh khác. Con kính mong Thầy cũng Tam Bảo thường trụ tác đại chứng minh cho tấm lòng hiếu để của chúng con và khai thị vài lời cho cá, lươn và muôn loài chúng sinh khác đang gập chìm trong biển khổ, đang bị mắc kẹt trong sinh tử luân hồi ngưỡng mong họ được thoát khỏi khổ đau, xin thầy từ bi khai thị”.

Tôi xin Thầy khai thị như vậy vì tôi biết những người âm và muôn loài chúng sinh khác đều nhờ sự gia hộ của Tam Bảo họ sẽ nghe được dù cách xa bao nhiêu dặm. Tất cả các người âm, khi họ mất thân tứ đại họ đều có các thần thông như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông và lậu tận thông. Họ có thể nghe thấy, đọc hiểu suy nghĩ trong tâm của chúng ta và đi thì nhanh hơn gió. Có câu nói: “Rừng có mạch, vách có tai” là ý này. Không muốn phạm thì phải giữ gìn thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh là bình an. Thầy nghe tôi bạch như vậy thì mỉm cười, hoan hỉ. Thầy nói: “Quý quá, các Phật tử phương xa về phát tâm lành cho quê hương, muốn cúng dường và thả cá phóng sanh tạo phước lành hồi hướng cho bá tánh thập phương. Vậy để Thầy khai thị cho những cá lươn và những chúng sinh khác đang ở những thân phận khác nhau, đang măc kẹt chịu khổ nhân đây mà được giải thoát, và rồi thầy thuyết pháp cho chúng tôi nghe (và những chúng sinh khác cùng nghe) về sự khổ trong kiếp luân hồi, nhân quả do tạo ác nghiệp mà nay phải chịu đọa đày khổ sở, thật hương xót. Nay được duyên lành đoàn Phật tử phương nam về tổ chức lễ phóng sanh thì hãy mau mau đi nhận phước lành, nghe kinh và hãy mau siêu thoát đừng tạo thêm lỗi lầm nữa, quay đầu tu tập theo hướng thiện, về nẻo sáng là bờ, bờ giải thoát niết bàn…” chúng tôi vui mừng đồng chắp tay đồng cảm ơn công đức của Thầy, khai thị xong Thầy gọi chúng tôi vào chánh điện, gõ chuông tác bạch với Tam Bảo thường trụ chứng minh và cầu  nguyện các ngài gia hộ cho tâm nguyện chúng tôi. Sở cầu được như ý, sở nguyện được viên thành, mọi việc đều được suôn sẻ tốt đẹp. Cũng cầu cho muôn loài chúng sinh khác được duyên lành phóng sanh này đều được bình an, giải thoát. Chúng tôi cảm động lạy tạ ơn Tam Bảo ba lạy. Rồi cảm ơn Thầy và xin phép lui ra vãng cảnh chùa một lát, chụp hình kỉ niệm, tạm biệt Thầy đáng kính rồi lại hướng lên núi Thiên Ấn, cúng dường chùa Thiên Ấn.

Trong 12 cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi, Long Đầu Hý Thuỷ được xếp thứ hai, đứng đầu là Thiên Ấn  Niêm Hà. Núi Long Đầu chùa Thiên Ấn, sông Trà Khúc gắn liền nhau trong câu ca, lời hát dân gian, mộc mạc quê mùa nhưng chân thành, say đắm, thấm đẫm tình cảm đối với đất nước, non sông Sông Trà sát núi Long Đầu

Nước kia chảy mãi, Rồng chầu ngày xưa

Núi Long Đầu lưu danh hậu thế

Chùa Thiên Ấn, Ấn để hậu hoàng

Ai về xứ Quảng cho nàng về theo…

Trong tâm thức ba tôi, ông vẫn thường kể tôi nghe về dòng sông Trà Khúc hữu tình, có nguồn bánh xe nước Trường Xuân ngày đêm cần mẫn đưa nước tưới mát những cánh đồng trên sông là những chuyến đò ngược xuôi, bóng chiều chậm chậm buông xuống, đàn chim nhạn bay ùa ra tìm mồi, chao lượn trên mặt sông, dệt vào hoàng hôn bức tranh thiên nhiên thoáng gợn vẻ tịch liêu trầm mặc.

Chùa Thiên Ấn ở trên núi Thiên Ấn Niêm Hà, ngôi chùa này đã có từ rất lâu rồi. Ai đã từng đến viếng chùa này chắc đều biết ngôi chùa rất linh thiêng, có rất nhiều sự tích linh ứng của chùa và nổi bật nhất trong các sự tích ấy là chiếc chuông Thần hay giếng Ngọc. Huyền thoại về chuông Thần và giếng Ngọc thì đã được khắc ghi ở bia đá đặt bên cạnh chuông và giếng. Ngôi chùa được xây dựng trên đỉnh núi rất mát mẻ, thoáng rộng và uy nghiêm. Chúng tôi cùng vào chùa lễ Phật, trì chú Đại Bi, cúng dường Tam Bảo, khấn xin ít nước của giếng Thần để làm lễ phóng sinh lươn cá ở 2 nơi sông Trà Khúc và ở sông Thu Bồn để tạo phước lành giải thoát đến cho muôn loài chúng sinh.

Giếng Ngọc

Thắp hương khấn nguyện xong, chúng tôi lấy 2 chai nước suối vuông loại 5 lít đến chỗ đài Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, thắp hương bái lạy Ngài xin ban nước thiêng (vì giếng Thần ở sau lưng Ngài) và cầu Ngài ban phước lành cho tất cả chúng sinh đang bị mắc nạn thông qua hai buổi lễ phóng sinh này, giúp họ được giải thoát khổ đau, phước lành nào chúng con có trong chuyến đi thiện nguyện này xin đem hồi hướng về thập phương thường trụ muôn loài chúng sinh đều được hưởng phúc lành này, cúi xin Ngài từ bi gia hộ cho chúng con được như nguyện…

Thắp hương khấn Ngài xong, chúng tôi ra sau bể giếng xin được 2 bình nước đầy, sẵn tiện xin rửa mặt mũi chân tay đi đường bị lấm bụi. Nước rất trong và mát lạnh, nếm thử thấy thật ngọt (bây giờ đã dùng máy bơm để bơm nước từ giếng lên chảy vào bồn chứa để sử dụng sinh hoạt trong chùa). Xin nước xong, chúng tôi đem về 2 bình đến đài Ngài để trình và lạy tạ ơn Ngài đã ban nước. Xong chúng tôi rời chùa, đi về hướng chợ để sắm phẩm vật cúng lễ Phap Thuỷ Đàn ở vực Long Đầu Hý Thuỷ. Vô tình thì hai bình nước vuông này trông như 2 cái Ấn vuông, chứa đầy thuỷ của Thiên Ấn Niêm Hà, chúng tôi gọi là đã xin được 2 thiên ấn thuỷ (mực).

Khi chúng tôi ghé chợ, mọi người đi vào sắm lễ thì tôi ở ngoài cùng Chị Hai trông xe. Đột nhiên Chị Hai tôi chỉ vào món bán hàng rong (ăn vặt) và nói: “món này ngon lắm nè em”. Tôi nhìn theo tay chị chỉ và tôi liền hiểu ý, ra mua liền để cúng thêm vào lễ. Lúc này đây không phải là chị tôi mà là những người âm muốn ăn thêm món đó vì họ nhớ thèm món ngày xưa quen ăn, nghĩ thương họ nhiều lắm…Sắm sửa lễ xong rồi chúng tôi lên đường ra vực, nơi những người bán lươn đang đứng đợi…

Phía tây chùa Long Sơn, hướng nhìn ra vực sâu là ngôi miếu Bà, liền kề có dinh Sơn Thần ẩn dưới bóng cây đa cổ thụ, chứng nhân thầm lặng của bao  nhiêu lần thề cuộc thăng trầm. Chúng tôi chọn làm Pháp Thuỷ Đàn ở nơi này. Nếu như ngày xưa, Cao Biền có đến đây để trấn yểm đoạn Long Mạch thì nay chúng tôi cũng đến đây dùng Pháp Phật để hoá giải và phóng sanh, nhất cử lưỡng tiện. Vực này rất sâu, chúng tôi phải nhờ người bán lươn khoẻ mạnh mang giúp những chậu lươn xuống bờ vực lởm chởm đá nhọn, rất khó đi. Cũng may là có họ giúp đỡ chứ nếu không thì rất vất vả, dễ té nhào đổ cả cá ra ngoài. Cảm ơn sự nhiệt tình của họ xong, chúng tôi liền bày lễ chuẩn bị cúng. Soạn lễ tươm tất 2 bàn, một cho bàn cúng Thổ Thần và một bàn lễ Thuỷ Thần rồi tôi đổ 1 bình nước 5 lít xin ở chùa Thiên Ấn đổ vào lần lượt từng chậu đựng lươn (cho lươn được hưởng nước pháp), còn một ít còn lại tôi đổ xuống dòng sông. Lần này tôi đứng bàn Thuỷ, các huynh đệ ở bàn Thổ. Tôi tay cầm hương một nắm to đang cháy, tay kia cầm cuốn Kinh Phật lội xuống nước khấn mời, kính cáo với chư vị Thuỷ Thần, binh tôm tướng cá xin chứng minh và gia hộ cho chúng tôi làm Pháp Thuỷ Đàn, thá lươn phóng sanh tại nơi này. Mùa khô nước rất cạn, tôi ra chỗ hơi sâu đến qua ngang eo thì dừng lại bắt đầu khấn nguyện rồi trì chú tụng kinh niệm Phật. Trong quá trình tụng kinh thì nước đột nhiên dâng lên rất nhanh, chảy xiết khiến thân tôi lắc lư theo dòng nước, bó nhang trên tay tôi bùng cháy lửa ngọn, cây đa cổ thụ và các cây hai ven bờ sông thì bị gió nổi lên bay lá rào rào, cây bên bờ sông nghiêng ngả rạp theo chiều gió. Tôi liền tấn (trụ) vững hai chân, nghiêng người xuôi theo dòng nước, miệng vẫn tiếp tục niệm kinh không ngừng, có Phật tử thấy vậy chạy xuống trợ duyên cho tôi, đứng ôm tôi và niệm Phật cùng (vì sợ tôi bị nước cuốn đi chăng?). Những ai ở trên bờ thấy cảnh ấy đều kinh ngạc nhưng vẫn liên tục niệm Phật không ngừng để trợ lực. Giữa thiên nhiên bao la hùng vĩ này tôi nghĩ đến bao thức linh đang cư ngụ ở đây, bao đồng bao và tổ tiên tôi cũng chịu những khổ đâu cầu được siêu sinh, giải thoát nên tôi không hãi sợ, cứ thành tâm trì chú tụng Kinh niệm Phật đến hết thời Kinh rồi bắt đầu thả lươn phóng sanh. Khi số lươn được thả ra hết thì bơi xung quanh tôi một lát như cảm ơn, hoan hỉ vui mừng bơi đi, rúc vào các mô đá nhấp nhô, các khe hẹp mà ẩn mình. Tôi dặn dò nhắc nhở lời vị trụ trì chùa Long Sơn đã khai thị, hãy đi và giải thoát, hãy rang tu tập theo Phập, Pháp, Tăng để mai sau đầu sanh làm người tốt, về chỗ đẹp. Tiếp theo chúng tôi đọc cúng Mông Sơn Thí Thực, bố thí thức ăn cho những chúng sinh vất vưởng, ngạ quỷ cô hồn đói khát được một bữa ăn no, nhận giấy tiền gạo muối và nhận phước lành cúng dường Tam Bảo và phước thả cá phóng sanh mà đi siêu sinh về chỗ lành. Tất cả lễ của bàn Thuỷ thì đưa hết xuống dòng sông gởi cho Ngài Thuỷ Thần và các loài thuỷ tộc, còn lễ trên bờ (bàn Địa) thì để lại cho ai đó tình cờ đi qua có cái ăn lót dạ hoặc bố thí thực phẩm cho chó hoang, mèo hoang, kiến, dán, chuột, chim…là những chúng sanh cũng rất đói, đang cần ăn để sống..

Cúng xong, chúng tôi thu xếp ra về, lưu luyến nhìn lại dòng sông thì thấy sông lại chảy nước hiền hoà, không dậy sóng và nổi gió như lúc nãy tôi xuống nước cúng. Nước sông rất cạn, theo dòng thời gian, nhà cửa đã xây cất nhiều lên trông rất hiện đại. Nếu không nhờ những tài liệu xư chỉ dẫn thì chúng tôi cũng nhận không ra nơi đây là thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi. Một thắng cảnh nổi tiếng từng làm tốn hao giấy mực của bao thế hệ thi nhân nay đã lặng lẽ lùi xa vào dĩ vãng. Đành vậy, bể dâu biến cải âu cũng là chuyện thiên địa thường hằng, thêm nhân tố con người nay không ý thức giữ gìn đã góp phần làm mai một đi di sản xưa. Chỉ biết trong cuộc vần xoay điên đảo ấy có một điều không bao giờ thay đổi mf tồn toại miên viễn với thời gian, đó là tấm lòng thuỷ chung đôn hậu của người Quảng Ngãi, với tha nhân, với chính mình, với tổ tiên, với từng con sông, ngọn núi. Tạm biệt Rồng, có duyên sẽ còn gặp lại…

Rồng có rất nhiều ở khắp nước ta như địa danh thành Thăng Long – Kinh đô xưa, Thủ Đô Hà Nội bây giờ do vua Lý Thái Tổ nằm mộng thấy Rồng bay lên nơi đó, biết là nơi đắc địa nên đã cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về lập thành Thăng Long từ đó nước nhà cũng an ổn, thịnh vượng. Hay như vịnh Hạ Long, nơi Rồng đáp xuống, một trong những cảnh đẹp, kỳ quan thiên nhiên được công nhận là di sản văn hoá Thế Giới, hoặc như đồng bằng sông Cửu Long, nơi có 9 con Rồng toả ra bao bọc lấy vườn cây nhà cửa đồng ruộng thẳng cánh cò bay, quanh năm tưới nước mát xanh tốt, mùa màng bội thu, cây trái bốn mùa xum xuê trĩu quả. Dân chúng sống khoáng đạt, hào sảng. Đây là vựa lúa lớn nhất nước ta đã xuất khẩu gạo, nông, thuỷ hải sản ra nước ngoài rất lớn. Góp phần giúp cho đất nước giàu đẹp, và còn nhiều nơi khác nữa cũng có Rồng ngự. Rồng trong Phật đạo, trong Thiên Long Bát Bộ là một trong Bát Bộ bảo vệ Phật Pháp. Thủ lĩnh họ nhà Rồng là Long Vương có uy lực lớn, cực mạnh nên thường theo bảo vệ Phật. Theo Kinh ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đảng sanh đã có hai vị Long Vương phun nước tắm cho Thái Tử, một Vị phun nước nóng và một Vị phun nước lạnh, cùng hoà quyện với nhau thành dòng nước ấm tắm cho Ngài.

Sau khi đắc đạo, Đức Phật có xuống cung Rồng Ta Kiệt La thuyết pháp và nơi ấy có lưu giữ bộ Kinh Hoa Nghiêm. Sau có Bồ Tát Long Thọ xuống cung Rồng học thuộc lòng Kinh rồi về chép lại nên nhờ vậy mà chúng ta có được bộ Kinh Hoa Nghiêm để trì tụng như bây giờ.

Trong các Vua Rồng, Ngũ Đại Long Vương và Bát Đại Long Vương là nổi tiếng nhất….

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đồng viên thành Phật đạo.

Phật tử Như Phúc viết cúng dường tại Tịnh Thất Củ Chi năm 2021

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo