Loading

MỘT CHUYỆN ẾM ĐỐI NGHỀ BIỂN Ở KHÁNH HÒA

(LÊ VĂN NGHIÊM/ KHHB-SÔ 57)

  Tay Phá Nghề Biển Tại Cồn Cạn: Vùng Cồn Cạn tục gọi là Xóm Biển gồm ba ấp: Ngân Hà, Bá Hà, Thủy Đầm gọi tắt là Ngân-Bá-Thủy, thuộc xã Ninh Diêm – Ninh Hòa (Khánh Hòa). Năm 1965, tại đây xuất hiện một tên du thủ du thực, tánh tình ngang ngược và nham hiểm. Hắn không làm nghề biển hoặc đi bạn lưới, không trồng khoai bắp hoặc biết đan cái thúng, cái mẹt như đa số ở nông thôn. Hắn tự xưng là thầy cúng nghề biển, được Tổ ban các phép “ngũ hành” để giúp đời. Người ta thấy hắn chỉ làm có hai việc: uống rượu và đánh bạc. Thỉnh thoảng có ngư phủ rước hắn cúng kiếng, thì đó là dịp để hắn nốc rượu đến mờ con mắt và lần nào cũng vậy, nếu không có cà khịa với gia chủ hoặc lối xóm thì hắn chửi bới vợ con. Ngày nào hắn cũng có mặt tại bãi sáng và chiều, chờ các ghe đánh cá về bến để xin cá. Thấy hắn  nghèo vả lại gặp lúc được mùa, ngư dân không tiếc gì năm ba con cá nên mỗi ngày hắn đều có cá tôm. Vợ hắn để một phần cho con và làm món nhậu, còn thừa bán cho rồi. Nhờ vậy hắn chả làm gì động đến móng tay mà hằng ngày vẫn có hai bữa rượu và đủ tiền đánh bạc. Nhưng lòng thương có giới hạn, của mồ hôi nước mắt, cho mãi ai chả sốt ruột. Phương chi lành lặn, khỏe như trâu mà chẳng chịu làm việc trong khi ngành ngư nghiệp khiếm khuyết nhân công. Lúc đó trẻ con 10, 12 tuổi phải bỏ học theo cha kéo lưới thay thế đám trai tráng nhập ngũ hoặc đã trốn tránh đi ở nơi khác. Nhiều chủ ghe mành, giả cào mời hắn hợp tác, cho mượn tiền trước, lợi tức chia hai nhưng hắn bảo thức đêm không nổi, sống gió không kham. Chán ghét đứa làm biếng và gặp tiết gió “nam đò” (tức gió Tây Nam) thổi lộng, năng suất đánh bắt giảm sút, nhiều ngư dân không cho cá nữa, họa hằn có người vứt cho một con để khỏi nhìn cái mặt hãm tài. Thiết rồi có ngày hắn chả có con cá nào, tức giận và túng quá, hắn sanh liều, hắn liền dùng tà thuật phá nghề. Nạn nhân được hắn lưu ý nhiều là mành chà, mành chong.   Mành chà, mành chong bị phá như thế nào? Nghề mành sản xuất cá cơm, cá nục, cá bạc má, cá lắm, cá trích, cá sơn, mực…là các loại cá nhỏ đi từng đàn. Có hai loại mành: Mành chà: Đánh cá ban ngày, kết nhiều lá dừa với neo đá thả ngoài biển cho cá tụ lại nấp dưới bóng chà. Mành chong: Đánh cá ban đêm, dùng nhiều đèn măn-sông treo trên bè nhỏ để cá tụ dưới ánh sáng rồi dắt bè dẫn cá vào rọ lưới. Tà thuật ếm đối nhằm mục đích phá bằng nhiều cách – không cho đánh được cá. Bùa phép của hắn rất linh nghiệm. Khi cá đứng đầy dưới bóng chà, ngư phủ vừa kéo lưới, cá đi hết, lấy lưới lên thì cá tụ lại như cũ. Lần thứ nhì, thứ ba,…đàn cá cũng tan rồi tụ, dường như có ai xua đuổi hoặc khuấy động mạnh, mặc dù ngư phủ cố giữ không gây tiếng động trên ghe và dưới nước. Và khi mặt trời lên cao, gió nồm thổi mạnh, cá lặn hết xuống đáy biển. Có người kéo lưới đến sát đàn cá, tự nhiên mành lộn ngược lên, hoặc giàn lưới lập úp sáp, cá lọt hết ra ngoài. Nghề mành chong khi bị ếm thì: xuồng chòng (xuồng có đèn măng – sông) dắt bè đèn thì cá đứng im không đi theo ánh sáng hoặc cá theo đèn được một quãng thì tản mất. Tức tối hơn nữa là trường hợp cá đã lọt vào miệng mành kéo lên chẳng thấy con nào mặc dù giàn lưới và đáy mành không rách lủng lỗ nào. Có người bị phá cho rách lưới, lúng đáy mà không biết nguyên nhân gây thiệt hại ngư cụ. Tên nào cao tay ấn có thể ếm cho dòng nước đảo ngược, lưới bị căn phòng lên không bung ra đều, cá bị nước xoáy và thấy bóng lưới giao động thì chạy tản. Khi thả lưới, các ngư phủ chuyên nghiệp đã chọn địa điểm có dòng nước thuận nên lúc thời tiết tốt mà dòng nước đảo ngược thì tất nhiên có sự bất thường. Hầu hết ngư dân mành lưới tại Cồn Cạn không ai thoát khỏi bàn tay phá hoại của tên vô lại kể trên. Họ mới hắn cúng kiến, năn nỉ van lơn thì hắn để cho làm có cá năm bay ngày rồi lại ếm nữa. Họ bị thất bại trọn mùa cá, gia đình đói khổ nợ nần chồng chất… Không thể chịu đựng được nữa, giới thợ mành quyết định “lấy độc trị độc”. Họ thương lượng với một người biết võ nghệ, lừa dịp nên cho tên ấy một trận đích đáng để hắn bỏ làng đi cho khuất mắt. Không ngờ việc nhỏ thành lớn, anh này vô tình đánh trúng chỗ nhược , hắn bị trọng thương, được vài ngày thì chết. Hồ sơ nội vụ đưa ra tòa, bị đơn lãnh mấy năm tù vì tội ngộ sát. Các thợ mành ở Cồn Cạn giữ lời hứa, chung góp tiền phụ cấp suốt mấy năm cho vợ con người đã giúp họ thoát khỏi tai họa. Niệm chú, băt ấn, vỗ tay một cái đàn cá trong đẫy mành biến mất Có một số ngư dân cũng biết xử dụng bùa ếm đối, nhưng tài nghệ chưa đạt đến “12 thành công lực”. Vì hiếu kỳ, họ học cho biết và để nhận định khi bị phá nghề. Ông Nguyễn Văn Thành tục gọi ông Tê làm nghề lưới ngụ tại Khóm Cù Lao phường Vĩnh Phước, Nha Trang (cụ đã qua đời) kể lại một lần nọ, vì không thể dằn cơn tức giận và bị bạn lưới nói khích, ông phá một ghe mành, câu chuyện như sau: Lúc thiếu thời, ông đã học thành công vài môn ếm đối của phép Trấn. Lúc tản cư từ làng Mỹ Giang (Ninh Hòa) vào ngụ tại Cù Lao, ông làm nghề mành. Một hôm tại Hòn Mun, vừa thả lưới bao đàn cá nục, mấy đứa bạn vô ý gây tiếng động làm đàn cá chạy thoát ra hướng Đông, ông tức tốc cho ghe theo, thì cách đó lối độ 40 thước một ghe mành đan thả lưới chặn đàn cá kể trên. Theo lệ của nghề mành, đàn cá đó phải để cho ông Tô đánh, nếu ông tự ý bỏ cuộc thì ngưởi khác mới được thả lưới. Ông Tô trình bày sự việc và yêu cầu người đồng nghiệp tôn trọng lệ chung. Đằng kia có ý làm ngang, bảo rằng thấy cá thì đánh, cứ tiếp tục kéo lưới khép lại. Thấy họ đã bao vây được đàn cá, ông Tô càng phản đối mạnh để buộc họ chia hai, nhưng họ cương quyết không chịu mà thách thức nữa. Ông Tô tức tràn hông mà không làm gì được. Mấy đứa bạn nhớ lại ông biết ếm đối, liền xúi ông sử dụng cho bọn họ biết mặt. Ông Tô lưỡng lự… Trong khi đó đám ngư phủ kia đang thu hẹp vòng rọ, gói trọn đàn cá dầy đặc đến đen cả nước, làm cho ông Tô và đám bạn càng nóng mặt. Cuối cùng, vì một lời nói khích ông quyết định trổ tài. Các ngư phủ kia đang kéo lưới lên ghe. Ông Tô lẳng lặng chấp tay vái thinh không, mắt chăm chú nhìn đàn cá nục, miệng lầm bầm đọc thần chú, hai tay bắt ấn rồi vỗ mạnh một cái. Lạ lùng thay, đám kia kéo lưới lên ghe thì cá chỉ còn trong đáy không đầy một số nhỏ. Ông Tô tâm sự với chúng tôi: -Bùa phép linh ứng vô cùng, nhưng chỉ phá hoại chứ không làm lợi cho ngư dân. Từ nay tôi nhất định không sử dụng nữa. Cái binh vôi và lá bùa Ngũ Hành: Những ngư dân khác có võ vẻ một hai ngón phá nghề, đôi khi còn đem ra xài chơi để trả thù vặt như vụ Sở Lưới đàng Hòn Đỏ bị một tay mơ ếm đối, trường hợp như sau: Anh chàng này làm nghề “câu chạy” tức là xuồng chạy cá đuổi theo cắn câu. Suốt ngày cho xuồng máy chạy như thoi đưa trước cửa Sở Lưới dăng Hoa Đỏ. Người của Sở Lưới (danh từ ngày xưa cũng như các bộ phận công sở bây giờ) phụ trách lội ra xem cá, thấy các đàn cá thu, cá bò đi tạt ra hướng Đông thay vì thẳng đường đến chân gành rồi chui vào rọ lưới vì tiếng nổ thủy động cơ của xuồng câu chạy gây tiếng động vang rền làm cá hoảng sợ đổi hướng di chuyển, do đó năng suất Sở Lưới bị giảm sút khá nhiều. Ông Chèo Dọc (người điều khiển) của Sở Lưới đăng đi một đường thông cảm, yêu cầu anh chàng câu chay tránh họng cửa, nhưng y viện lý “đầm tư, ngư chung” và cứ tiếp tục hoạt động tại địa điểm cũ suốt tuần. Các ngư phủ lưới đăng tức quá, liền chặn anh ta, nói một lần chót, nếu còn cương lỳ thì đập cho một trận. Trước áp lực của số đông anh chàng câu chạy không dám nghênh ngang nữa nhưng trong lòng căm tức và quyết định trả thù. Qua mươi hôm, việc cũ đã nguôi, anh ta lừa dịp ghé bên thuyền đăng xin cá nục làm mồi, lén bỏ xuống nước trước cửa lưới  bửng một vật tròn lớn hơn nắm tay. Dạo đó, Sở Lưới sản xuất nhiều cá, mỗi ngày chở vào Nha Trang hai ba lần, chuyến chính nào cũng gần khẳm ghe. Thế mà khi bị ếm, ngày hôm sau ghe phiên (ghe chở cá) chạy chuyến chính quá trễ vơi vài mươi cá chù, rồi trong 4 ngày liên tiếp chỉ đánh được năm ba con hoặc một mớ cá nục, kho nấu cho trên 30 trai bạn ăn tạm mà thôi. Ông Chèo Dọc giởi thơ về Nha Trang xin ban Đại Diện nhóm mua một con gà gởi ra đầm. Ông đích thân mang lễ vật lên gành cúng tại Hang Lỗ Lương (tức là âm hộ, đây là tục thờ cúng của giới lưới dăng). Qua ngày thứ sáu – tức sau 5 ngày, “biển đói” (không cá). Ông Đại Diện nhóm từ Nha Trang đến sở lưới, tập hợp trai bạn lại cho biết chiều hôm qua cầu đồng, được Bà chỉ dạy rằng có kẻ tiểu nhân sai âm binh thần tướng án ngữ cửa rọ. Ông Chèo Dọc dường như đã tìm thấy nguyên do, liền ra lịnh cho 6 ngư phủ chia làm hai toán, thay phiên lặn lục soát quanh khoảng lưới bưng, nếu thấy vật gì khác lạ thì đem lên. Suốt ba tiếng đồng hồ sáu tay thợ lặn hoạt động không ngừng dưới mực nước sâu 15 sải (độ 25 thước) mà chẳng thấy vật gì khả nghi. Năm người mệt lả, đi lên thuyền thở dốc. Vào phút chót, khi mọi người chán nản định bỏ cuộc, người thợ lặn sau cùng trồi lên, tay nắm chặt một bình vôi nhỏ. Anh nhặt nó trong đám rạn gần gian lưới thưa. Ông Chèo Dọc khui miệng bình vôi, thò hai ngón tay vào trong rút ra một mảnh giấy vàng xếp làm tám. Mở giấy ra, mọi người đồng kêu lên một tiếng ngạc nhiên: “đạo bùa ngũ hành”. Ông Chèo Dọc trầm ngâm suy nghĩ rồi lẳng lặng tháp nhang van vái thinh không rồi đốt mảnh giấy quái ác. Một bạn lưới tức giận, vồ lấy cái bình vôi định đập nát nhưng Ông Chèo Dọc giựt lại, đem để trên tấm ván lót sàn lái thuyền đăng, noi đó vừa là chổ ngũ vừa là “bàn giấy” của ông làm việc ban ngày. Ông mỉm cười nói: -Để dằn mặt thằng đó chứ. Trong khi đo, ông Đại Diện nhớm đang sửa soạn lễ cúng tạ Bà. Ông ở lại đến 4 giờ chiều và theo ghe phiền về lại Nha Trang với số cá 200 con thu hoạch được cách 2 giờ sau khi đốt đạo bùa ngũ hành. Lúc đó là đầu tháng tư âm lịch, cá đang lên phía Bắc. Nếu không bị trù ếm, trong 5 ngày qua Sở Lưới có thể thu hoạch từ 300.000đ đến 500.000đ (trị giá tiền năm 1964). Hai hôm sau, anh chàng câu chạy ghé lại Sở Lưới xin cá mồi, phát giác cái bình vôi để sau lái thuyền đăng. Anh ta vội nhìn sang chỗ khác, cố giữ bình tĩnh, bơi xuồng qua thuyền neo (thuyền nhỏ) nói bâng quơ vài câu rồi lẳng lặng rút êm. Vẻ ngượng ngập và cử chỉ mất tự nhiên của hắn không qua mắt ông Chèo Dọc và đám bạn lưới dăng. Từ đó cho đến ngày mãn mùa lưới dăng, anh ta không dám bén mảng đến gần Sở đầm Hòn Đỏ. P/S: Tôi (Đỗ Ngọc Anh) dành thời gian để viết bài này nhân một lần nhập định tu Thiền tháng 10AL năm Canh Tý (2020) tại Tịnh Thất, có con Cá Ông Tiên lên chơi và kể tôi nghe về câu chuyện của Thủy Tộc…sau khi xả Thiền Tôi dành chút thời gian tìm kiếm bài viết về câu chuyện họ nhà biển để tặng cho độc giả xem như lời sám hối cho những kẻ từng lầm lỡ  và cuộc sống của thủy tộc, dân đi biển là như thế nào…qua đây cung cấp một vài kiến thức về thế giới của Tâm Linh Huyền Thuật Phong Thủy vô cùng vô tận…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo