Tôi đi hành trình tâm linh qua các tỉnh miền trung đến thành Hoàng Đế, còn được gọi là Thành Đồ Bàn của người Chăm Pa ngày xưa xây dựng tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.. Vùng đất mà trước các vua Chăm đã từng xây cung điện và nơi đây từng chứng kiến bao thăng trầm của một triều đại…Tôi đến và với con mắt Pháp Nhãn của mình và thấy được những “linh ảnh” sinh hoạt của các công chúa, những đứa trẻ hoàng cung nô đùa nơi giếng ngọc bán nguyệt dưới ánh trăng đêm hình ảnh thật đẹp của một quá khứ yên bình…
Đang đứng suy tưởng thì có một cô bé ở gần đó làm farm và hôm nay cô thu hoạch dưa hấu, xuất đi Hà Nội và các tỉnh. Như thường lệ xong việc cô hái một trái dưa ngon nhất vào cúng cho các vị vua Chăm, các vị Tiên Hiền để tỏ lòng cám ơn..
Khi gặp tôi và mọi người đang chuẩn bị ít hoa lễ cúng trên nền đất các vị vua trước nhờ thờ mộ của cụ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu thì vừa kịp lúc cô mang đến 1 trái dưa hấu và cùng cúng dâng lễ. Cô nói với tôi:
-Mọi lần em mang dưa qua cúng cho các vị Vua vào buổi trưa, hôm nay không biết sao em lại đi mang dưa cúng sớm chứ thường thì trưa em mới đến. Em làm farm ở đây và nghĩ rằng mình vào đất mình gặp các vua, mình thì mình phải biết ơn vùng đất này. Em có 2 ha làm farm chuyên trồng hoa quả sạch.
Cô ấy làm tôi hứng thú về mô hình trang trại, liền xin vào xem thử qui trình trồng của cô như thế nào và tiện việc mua luôn 5 trái dưa để cúng Phật cho tại chùa Thập Tháp trên khuôn viên của thành Hoàng Đế. Ngôi chùa này đang có một Hòn Đá Chém mà ngày xưa vua Nguyễn Ánh dùng để chém đầu các tướng lĩnh Tây Sơn và gia đình họ trước cửa Thành.
Khi đi cùng cô, tôi phát hiện ra trong tiền kiếp cô là một công chúa còn nhỏ tuổi chỉ khoảng 5, 6 tuổi và là người mà đang tắm dưới trăng cùng với các cung nữ đẹp như tiên tại giếng bán nguyệt, khuôn mặt cô rất đẹp và sáng. Do số phận mà cô đã mất sớm khi còn nhỏ và nay tái sinh lại, làm farm trên nền đất gia tộc ngày xưa và hay mang hoa quả vào cúng các vị vua. Tại kiếp này cô đi học tại SG ngành công nghiệp thực phẩm, không lấy chồng và về cùng mọi người mở farm tại đây như một nhân duyên với vùng đất này. Cô cũng nói với tôi những ngày đầu vào Thành Hoàng Đế lúc nào cũng đau đầu dữ dội, sau này là hết.
Hòn Đá Chém…Oan khí chưa tan
Nhân duyên lành khiến tôi gặp cô và được cô hoan hỉ dẫn tôi cùng đoàn đi qua tháp Chàm Cánh Tiên đến chùa Thập Tháp, đây là ngôi chùa nằm trên nền đất của Thành Hoàng Đế. Sở dĩ có tên Thập Tháp vì chùa được xây dựng với vật liệu là những ngôi tháp Chàm bị đổ và Sư thầy cho lấy đá xây lên mười ngôi tháp nên có tên là Thập Tháp.
Theo nhân gian kể lại, sau khi đánh tan quân Tây Sơn thì Nguyễn Ánh kêu gọi những tướng sĩ Tây Sơn ra nếu người nào tội nặng thì sẽ bị đi đày vào nam, còn tội nhẹ thì cho về quê làm ruộng và tất cả những con cháu dòng tộc đều phải ra trình diện…Rất nhiều người đã tin lời ra tập trung trước Thành Hoàng Đế (sau này nhà Nguyễn gọi là thành Bình Định) thì vua Nguyễn Ánh liền nuốt lời cho mang tất cả tướng lĩnh cùng gia đình họ ra chém trước cửa thành trên một hòn đá kê gọi là hòn Bạch Thạch…tiếng kêu khóc vang động cả vùng.
Sau này dân trong vùng không ai dám qua nơi để tảng đá, hằng đêm nghe tiếng than khóc đòi mạng và binh sĩ, người dân không dám đến gần khu này. Quanh đây dân khó trồng được cây gì, kể cả những cây mai kiểng được trồng kê cách đất cũng bị thiệt hại hơn 2000 gốc mai, oán khí chưa tan…
Sự trụ trì tại chùa Thập Tháp năm ấy để hóa giải oan khiên này nên xin với triều đình nhà Nguyễn cho dời viên đá này về phía sau chùa để nghe tiếng kinh kệ giúp oan hồn siêu thoát nên đã làm lễ cúng 3 ngày đêm xin chuyển đá đi và hiện nay viên đá này đang nằm phía sau hậu viện.
Để vào hậu viện phải bước lên viên đá trắng, tôi hỏi tại sao lại phải bước lên được được giải thích là sư thầy khi ấy để vị trí đó ngoài giúp vong hồn siêu thoát thì cũng là thông điệp phải bước qua những gì thuộc về quá khứ, bước chân đi qua và những đau thương nên bỏ lại đằng sau…Khi nhìn vào hòn đá oan khốc này, tôi thấy bao chiếc đầu rơi xuống quanh phiến đá, máu đỏ lai láng và tiếng khóc của những phụ nữ và các đứa trẻ ngút tận trời xanh…một hình ảnh rất bi thương. Tôi mang trái dưa hấu đến cúng tại đó, một chút tấm lòng thành của kẻ ở xa, tôi cảm nhận được tất cả và hiểu rằng lịch sữ vẫn sẽ còn lưu lại đến cả mai sau…
Tháp Bạch Hổ
Đi vãng cảnh chùa cùng đoàn, tôi đến phía sau hậu viên nơi có một ngôi Tháp Bạch Hổ. Ngày xưa khi trụ trì chùa là ngài Thiệt Kiến Liễu Triệt đến trụ trì thì có hai mẹ con với người mẹ xinh đẹp bị câm và hai mẹ con nằm ngất trước cổng chùa do đói lạnh. Sư cho hai mẹ con được vào chùa tá túc, người dân xung quanh dị nghị cho rằng do xưa sư ở trong cung khi trụ trì chùa Thiên Mụ (Huế) có qua lại với cung nữ và có con. Sư cũng chẳng giải thích gì, thành tâm tu hành.
Một đêm, phía sau hậu viên có một con cọp trắng đến chùa nghe kinh kệ, cứ ở đó và hằng ngày vào núi, tối đến ra trước chánh điện khi chùa tụng kinh, sáng ra lại đi mất. Cứ như vậy thì lời đồn thêu dệt không còn nữa vì người dân cho rằng nếu không phải chân tu hành thì không thể cảm hóa được loài thú dữ, từ đó tiếng xấu ngày một tan dần, mọi người đến chùa ngày càng đông.
Một ngày sư Thiệt Kiến Liễu Triệt có việc đi về Huế, đêm đó ngài nằm mộng thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ đến xin sư nán lại vài ngày để làm lễ cho ông cụ, sau khi tỉnh giấc sư nán lại và yêu cầu đệ tử đi ra sau hậu viên tìm thì quả thấy có xác cọp Bạch Hổ và sư làm lễ và cho xây tháp lên trên nơi cọp nằm tại đó, về sau thời Pháp thì tháp bị đổ, kẻ gian đào trộm lấy cốt nên hiện nay tháp mới được xây lên trên nền ngôi mộ cổ ngày xưa.
Tôi nghe theo sự tích này và đi ra phía sau chùa xem thử thì quả có ngôi Tháp Bạch Hổ, dấu tích vẫn còn, cô chủ trang trại farm đi cùng đến và nói với tôi rằng:
-Em đến đây thì không thấy bị nhức đầu, thỉnh thoảng em có lên đây…
-Em có phải tuổi Dần không? Tôi hỏi.
-Dạ vâng, em tuổi Dần sinh năm 1986.
Vậy là đúng như tôi dự đoán, cô đúng là người công chúa của một triều đại cổ xưa, tuổi Dần là điều thứ hai tôi xác quyết lại với cô để khẳng định điều dự đoán ban đầu của tôi về cô là đúng. Vế sau khẳng định giả thiết của vế trước mà thôi. Ngay từ lúc gặp tôi đã biết rõ lý lịch tiền kiếp của cô và khi đứng trước tháp Bạch Hổ qua tâm sự về tình trạng sức khỏe thì tôi hoàn toàn tin chắc nhận định ban đầu là đúng (nếu tôi lấy lá số Tử Vi của cô thì chẳng thể dấu tôi được, tuy nhiên vì sự tế nhị do tôi không muốn ai biết mình là Thầy Phong Thủy trên đường học thuật nên chỉ dùng nhân tướng để định dạng mà thôi).
Chia tay cô tôi rời miền đất Bình Định đầy hào hùng mà cũng lắm đau thương, viết vài dòng chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức học thuật của tôi trên con đường thiên lý vạn dặm, mọi việc rồi cũng sẽ trôi qua, kẻ lãng du ham học như tôi chỉ thấy và nhìn như sự việc vốn là, tôi đến, nghiên cứu và học hỏi những điều tai nghe mắt thấy và chiêm nghiệm lại các giá trị học thuật đã học và viết lại cho bạn yêu thích thế giới huyền thuật tâm linh. Kỷ niệm chuyến đi Bình Định ngày 5 tháng 7 năm 2024
Đỗ Ngọc Anh chấp bút tại Tp. Quảng Ngãi.